Tranh chấp ở Biển Hoa Đông và những vấn đề nan giải

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều theo sát vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông, song cho đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào. Chính sách ngoại giao của cả hai nước đều không giúp xử lý hiệu quả vấn đề này.
Tranh chấp ở Biển Hoa Đông và những vấn đề nan giải ảnh 1Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: The Japan Times/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, có rất nhiều vấn đề trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tranh chấp giữa hai nước ở Biển Hoa Đông đã bị ảnh hưởng và lợi dụng về mặt chính trị và pháp lý.

Cả Bắc Kinh và Tokyo đều theo sát vấn đề tranh chấp này, song cho đến nay vẫn chưa tìm được bất kỳ giải pháp nào. Chính sách ngoại giao của cả hai nước đều không giúp xử lý hiệu quả vấn đề này.

Vị thế chính trị của hai nước lại không nắm bắt vấn đề này như đòi hỏi mà vấn đề đặt ra. Trong khi đó, cách hành xử của Bắc Kinh và Tokyo hoàn toàn mang tính ngoại giao chỉ gây thêm mớ hỗn độn đối với cả hai bên tranh chấp.

Tranh chấp đảo ở Biển Hoa Đông đang ngày càng đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ Trung-Nhật. Vấn đề này đóng vai trò thiết yếu đối với thế mạnh chính trị của mỗi quốc gia và những tuyến hải lộ chính đi qua vùng biển này đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động thương mại hàng hải và nhập khẩu năng lượng.

Căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp này ngày càng leo thang trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2009-2018. Nhật Bản và Trung Quốc đều nỗ lực giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua luật lệ quốc tế.

Tuy nhiên, có hai vấn đề khác biệt của tranh chấp cần được xử lý theo luật quốc tế: phân định thềm lục địa và phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Mặc dù điều này nghe có vẻ đơn giản, song cả hai vấn đề này thuộc những hệ thống pháp lý khác biệt.

[Nhật Bản tập trận giả định quần đảo tranh chấp với Trung Quốc bị chiếm]

Đối với tranh chấp này, chính sách của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc ngăn chặn chiến lược, trong đó gồm việc áp dụng các biện pháp ngoại giao, các lực lượng vũ trang, thương mại và công nghiệp cùng với cơ chế quyền lực nhà nước mang tính khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, nền chính trị trong nước của Nhật Bản coi chủ quyền của nước này đối với quần đảo Senkaku là không thể tranh cãi và tất cả các đảng phái chính trị của Nhật Bản đều coi quần đảo này là lãnh thổ của nước này.

Tuy nhiên, chính sách của Tokyo đối với tranh chấp này phần nào dựa trên mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Vì vậy, những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Bắc Kinh và Tokyo ở vùng biển này cho đến nay vẫn là một vấn đề chưa thể giải quyết.

Trong những năm gần đây, tranh chấp đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư đã bao hàm những ẩn ý mới và có tác động quan trọng trên phạm vi toàn cầu khi cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này có sự can dự thụ động của Mỹ.

Do vùng biển này vừa giàu tài nguyên vừa là nơi tuyến vận tải hàng hải quốc tế đi qua, nên vấn đề tranh chấp không chỉ có ý nghĩa với Bắc Kinh và Tokyo mà còn với cả các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.

Lý do là bất kỳ chuyện gì xảy ra ở vùng biển này sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trật tự hàng hải quốc tế. Ngoài ra, sự phân định ranh giới ở Biển Hoa Đông có những tác động đối với Trung Quốc và một vài quốc gia ven Biển Đông.

Tư duy của Trung Quốc về ngăn chặn chiến lược dựa trên việc nước này sở hữu hệ thống vũ khí mới. Xét ở góc độ pháp lý, công lý có thể trở thành vấn đề phức tạp đối với tranh chấp lãnh thổ.

Việc thực thi và diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và chính sách "thời hiệu hưởng quyền" phản ánh trong Hiệp ước hòa bình San Francisco đề cập đến việc Nhật Bản kiểm soát quần đảo tranh chấp Senkaku nói trên. Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc cho rằng luật lệ quốc tế dựa trên nhận thức hạn hẹp và không liên quan đến quyền kiểm soát nói trên của Nhật Bản.

Về phần mình, Tokyo cân nhắc đến sức mạnh thực sự và tiềm tàng của Trung Quốc về sức mạnh kinh tế, quy mô dân số và sức mạnh quân sự vốn hùng mạnh hơn so với sức mạnh của Nhật Bản và đang trở thành mối đe dọa đối với vị thế của Tokyo trong khu vực.

Do đó, Nhật Bản đã tìm cách đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh bảo vệ chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp. Điều Tokyo quan ngại sâu sắc lúc này là Bắc Kinh đang thiết lập một căn cứ tàu ngầm ở gần quần đảo tranh chấp và tăng cường các hoạt động khảo sát ở Biển Hoa Đông.

Mỹ đang chia sẻ quan ngại này với Nhật Bản khi hỗ trợ cung cấp khí tài và hỏa lực tấn công trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, mối quan ngại an ninh chính của Bắc Kinh là vấn đề hàng hải. Do đó, các hoạt động củng cố sức mạnh quân sự của Trung Quốc tập trung vào công tác hiện đại hóa hải quân với việc nước này đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân của mình trở thành hải quân biển xanh được trang bị tàu sân bay, tàu ngầm và tàu khu trục để có thể hoạt động ở những vùng biển quốc tế.

Điều này phần nào giải thích lý do Bắc Kinh thường xuyên điều tàu chiến của mình đi vào vùng EEZ gần quần đảo tranh chấp và gần mỏ khí đốt tự nhiên Xuân Hiểu ở Biển Hoa Đông.

Kể từ năm 2012, các vụ đối đầu giữa lực lượng hải quân của Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng đáng kể, mà đỉnh điểm là việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013.

Vấn đề chủ quyền đóng vai trò trọng tâm của tranh chấp này. Ý nghĩa cốt lỗi của vấn đề chủ quyền chính là việc một quốc gia có quyền lực tối cao để quản lý và cai trị một vùng lãnh thổ, hay còn gọi là "quyền hợp pháp."

Chủ quyền cũng bao gồm tính chất địa bàn của lãnh thổ, tức có những đường biên giới nghiêm ngặt và được các nước bên ngoài thừa nhận. Theo tiêu chí này, Nhật Bản và Trung Quốc đều không chứng minh được tư cách sở hữu quần đảo tranh chấp nói trên.

Cho đến khi Nhật Bản sáp nhập quần đảo này hồi năm 1895, cả hai nước đều không quản lý hiệu quả quần đảo này, cũng như không coi quần đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Cả hai nước đều không đưa dân của mình đến sinh sống trên đảo, cũng như không chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ quần đảo.

Do những yếu tố không rõ ràng và không chắc chắc liên quan đến những tư liệu lịch sử chứng minh quyền sở hữu quần đảo nên cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đưa ra những lập luận và lý lẽ giải thích việc họ là những chủ sở hữu ban đầu đối với quần đảo này.

Điều cuối cùng không kém phần quan trọng là mọi hành động của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền chính trị quốc tế trong một thập kỷ tới. Những chính sách đầy quyết đoán và mang tính gây hấn của Trung Quốc giống như một nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh lại rất phức tạp và cần phải nghiên cứu để có sự hiểu biết thấu đáo. Hiện Bắc Kinh đang hành xử ngày càng quyết đoán đối với cả Ấn Độ. Trong khi đó, sáng kiến "Vành đai và Con đường" của nước này sẽ giúp Bắc Kinh vươn đến châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Tất cả những hành động này của Trung Quốc đã kích thích giới học giả trên thế giới tìm giải đáp cho câu hỏi Trung Quốc muốn gì. Họ có thể tìm thấy câu trả lời thông qua lối tư duy "độc nhất vô nhị" của Trung Quốc về thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục