Trao đổi thương mại Việt Nam-Nam Phi tiếp tục tăng trưởng

Trao đổi thương mại của Việt Nam với Nam Phi trong năm 2013 tiếp tục có những bước phát triển tích cực, dự kiến đạt 875 triệu USD, tăng gần 17% so với năm 2012.

Trao đổi thương mại của Việt Nam với Nam Phi trong năm 2013 tiếp tục có những bước phát triển tích cực, dự kiến đạt 875 triệu USD, tăng gần 17% so với năm 2012, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 760 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu khoảng 115 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nam Phi - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi vẫn là giày dép, hàng dệt may, sản phẩm cao su, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm hóa chất, linh kiện và máy tính điện tử.

Đặc biệt, trong hai năm qua, sản phẩm điện thoại di động đã vươn lên chiếm một thị phần ngày càng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi. Trong khi đó, Nam Phi xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là kim loại thường, sắt thép phế liệu, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may và da giày...

Đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái và kinh tế Việt Nam và Nam Phi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ mọi mặt, đặc biệt là quan hệ kinh tế và thương mại.

Các doanh nghiệp hai nước ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc thông qua nhiều đầu mối, trong đó có đại sứ quán của hai nước, các trang web và các hội chợ triển lãm...

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ông Lê Kinh Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nam Phi, cho rằng tiềm năng thương mại giữa hai nước còn khá lớn, nếu khai thác hiệu quả có thể đẩy mạnh hơn nữa giá trị trao đổi thương mại hai chiều.

Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần đầu tư nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về môi trường kinh doanh và nhu cầu của mỗi nước, trong đó cần chú trọng nghiên cứu yếu tố cạnh tranh thương mại; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, để các doanh nghiệp hai nước thấy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Ông Lê Kinh Thắng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn tiếp cận thị trường Nam Phi để tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó hiệu quả nhất là thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục