Ngày 19/1, tại ấp Tấn Thạnh, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới tổ chức khánh thành công trình trùng tu, sửa chữa di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng đình thần Tấn Mỹ đúng vào dịp kỷ niệm 163 năm ngày vua Tự Đức ban sắc phong cho đình thần Tấn Mỹ (29/11 năm Nhâm Tý-29/11 năm Giáp Ngọ).
Công trình được phục dựng theo nguyên bản gốc là kiến trúc theo lối chữ Tam. Trang trọng nhất là ngôi thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, khánh thờ được chạm trổ những hoa văn tinh xảo như rồng quấn trụ, dây lá và đặc biệt là hộp đựng sắc phong của vua phong cho đình thần Tấn Mỹ.
Công trình được thực hiện trong thời gian 450 ngày (từ ngày 14/10/2013 đến ngày 19/1/2015) với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Việc khánh thành công trình trùng tu, sửa chữa di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng đình thần Tấn Mỹ có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc; nơi in đậm dấu ấn văn hóa dân gian Nam Bộ, ghi lại dấu ấn của các bậc tiền nhân trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất phương Nam nói chung và An Giang nói riêng; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đình thần Tấn Mỹ được phong dưới triều Nguyễn thời vua Tự Đức vào ngày 29/11/1852 (tức năm Nhâm Tý).
Trải qua thời gian cùng với những thăng trầm của lịch sử, từ năm 1942. đình đã được trùng tu nhiều lần, đến năm 1945, trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, đình đã bị dỡ ngói, phá tường.
Thời kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi tổ chức hội họp, cất giấu, nuôi chứa cán bộ cách mạng cũng như in ấn tài liệu mật. Trải qua thời gian, đình thần Tấn Mỹ đã xuống cấp, hư hại nặng. Dù đã được trùng tu nhiều lần nhưng đình vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi đình xưa./.