Triển lãm 'Nơi tôi đến': Câu chuyện cuộc sống của những phụ nữ di cư

Triển lãm “Nơi tôi đến” đưa ra cái nhìn toàn diện về hành trình di cư của những người phụ nữ đang cố gắng bám trụ trên đất Thủ đô và tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sống cho họ.

Hình ảnh những người phụ nữ bán hàng rong trên khắp mọi nẻo đường của Thủ đô vốn ít người chú ý tới, nay được trân trọng thể hiện trong triển lãm “Nơi tôi đến,” khai mạc chiều ngày 6/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

“Nơi tôi đến” đưa ra cái nhìn toàn diện về hành trình tha hương của những người phụ nữ đang cố gắng bám trụ trên đất Thủ đô và tha thiết tìm ra những gợi ý nhằm nâng cao chất lượng sống, cơ hội bình đẳng cho họ. Từ những người phụ nữ được coi là yếu thế trong xã hội, họ trở thành chủ đề chính của một cuộc triển lãm mang tầm quốc tế.

[Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo]

Triển lãm đưa người xem đắm chìm trong hành trình của những nữ lao động di cư rời xa quê hương qua 3 chủ đề. Từ "Nơi tôi đi," họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại "Nơi tôi đến" và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước "Nơi ấy có tôi." 

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giúp công chúng hiểu hơn về cuộc sống, về tầm quan trọng của không gian công cộng đối với những nữ lao động di cư, một lực lượng lao động đã và đang tham gia vào công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội của Thủ đô./.

(Vietnam+)