Triển lãm ‘Rung động’: Bước vào thế giới của ‘kẻ bên lề’ Mỹ Linh

Dù không được đào tạo về mỹ thuật, họa sỹ trẻ Nguyễn Mỹ Linh đã có thể khắc họa một cách đầy cảm xúc, rõ nét thế giới nội tâm của một người hướng nội, thứ mà họ khó có thể mô tả được bằng ngôn từ.
Triển lãm ‘Rung động’: Bước vào thế giới của ‘kẻ bên lề’ Mỹ Linh ảnh 1Tác phẩm ''Kẻ bên lề'' của Nguyễn Mỹ Linh, khắc họa những cảm xúc bên trong hỗn độn và đầy màu sắc. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Triển lãm tranh “Rung động” của Nguyễn Mỹ Linh (sinh năm 2000) khắc họa góc nhìn của một người trẻ hướng nội, ít nói, thuộc dòng tranh “brut art.”

Hoạt động trưng bày đang diễn ra tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại VICAS Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 19/3.

"Brut art" là dòng tranh do danh họa người Pháp Jean Dubuffet xác lập vào những năm 1940, còn được biết đến với cái tên khác là “Outsider art,” ý nói về dòng tranh của những người ngoại đạo, không có đào tạo về mỹ thuật.

Theo đại diện ban tổ chức triển lãm, tác giả của dòng mỹ thuật này được phân chia thành ba nhóm: Những người có rối loạn hoặc khiếm khuyết về tâm thần; những người chưa từng có tranh được bán; những người không qua đào tạo trường lớp song vẫn có thể phóng chiếu những gì đang diễn ra trong đầu mình lên tranh vẽ.

Triển lãm ‘Rung động’: Bước vào thế giới của ‘kẻ bên lề’ Mỹ Linh ảnh 2Tác phẩm ''Dồn nén'' với mô tả ''Bị kìm hãm bởi lo âu, ở gần con người nhưng không thể 'chạm' vào họ.'' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nguyễn Mỹ Linh là một họa sỹ thuộc nhóm thứ ba. Bản thân là người hướng nội, từ nhỏ, cô gái dễ cảm thấy lạc lõng giữa nhiều người, không tự tin về bản thân, dễ xấu hổ và sợ bị phán xét.

Bức vẽ đầu tiên của cô gái cũng được đặt tên là “Outsider” (“Kẻ bên lề”) và là sản phẩm của sự dồn nén lâu ngày. Trong lần đầu cầm bút vẽ, Linh dùng mỹ thuật để “ném cảm xúc” lên toan, để lại những mảng màu sắc với những nét vẽ nguệch ngoạc, đầy rối loạn. Thế nhưng đó lại là khi mọi thứ được gỡ rối.

Vẽ, với cô gái, là một cách để thể hiện bản thân mà không lo bị phán xét. Có lẽ nhờ khả năng giúp giải tỏa ấy mà Linh không tự dán nhãn, gò ép mình trong định nghĩa về họa sỹ, về nghệ thuật hay buộc bản thân phải theo một dòng nghệ thuật đặc sắc, độc đáo nào để khẳng định mình.

Triển lãm ‘Rung động’: Bước vào thế giới của ‘kẻ bên lề’ Mỹ Linh ảnh 3Tác phẩm ''Đốm sáng'' tại triển lãm mà Mỹ Linh tự mô tả là ''những đốm sáng cảm xúc bắt đầu được giải phóng và được sống.'' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Theo đuổi lối vẽ trừu tượng, các tác phẩm của Nguyễn Mỹ Linh thể hiện một thế giới nội tâm đa hình khối, đa sắc màu. Giám đốc nghệ thuật của VICAS Studio Art - Tiến sỹ Bùi Quang Thắng nhận xét những bức tranh của Linh có chất lượng nghệ thuật cao, dù xét trên khía cạnh sử dụng màu sắc hay đường nét cũng đều rất riêng biệt và điêu luyện, có thể tạo hiệu ứng về ánh sáng lấp lánh hoặc lóe sáng, khiến bất cứ họa sỹ trừu tượng, chuyên nghiệp nào cũng có thể nhận thấy và vị nể.

Cũng theo ông Thắng, loạt tranh của Linh là sự phóng chiếu của những sắc thái lửng lơ, căng thẳng, cuồng loạn, có cả những trạng thái mờ giữa quá khứ và tương lai, có cả những vết sẹo tinh thần, sự bất lực của việc không nói ra được, không làm được… Song ở đó cũng có cả những tích cực, yêu thương, phấn khích…/. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục