Triển lãm "Truyền thống khoa cử Việt Nam" tại TT-Huế

Công chúng được chiêm ngưỡng hơn 50 bức ảnh tư liệu về lịch sử khoa cử Việt Nam cùng văn bản của các văn bia Tiến sỹ từ thế kỷ 11 đến 20.

Ngày 22/11 tại Đại Nội Huế đã diễn ra Triển lãm "Truyền thống khoa cử Việt Nam" do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Triển lãm trưng bày hơn 50 bức ảnh tư liệu về lịch sử khoa cử Việt Nam, trong đó có cảnh dùi mài kinh sử của sỹ tử, quang cảnh trường thi, hội đồng giám khảo cho đến cảnh sỹ tử xem bảng vàng và tân khoa được hưởng các đặc ân vua ban sau khi thi đỗ.

Triển lãm còn có các bức ảnh về Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội và Phú Xuân-Huế cùng một số tài liệu tranh khắc, cùng 9 văn bản hành chính Châu bản.

Đặc biệt, trong triển lãm lần này có văn bản của 82 văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc tử Giám Hà Nội và 32 văn bản là các văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu Huế... giúp người xem có cái nhìn khái quát về truyền thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam xưa từ giai đoạn năm 1075 đến năm 1919 với tên tuổi của gần 2.900 nhà khoa bảng.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết khoa cử Việt Nam vốn có truyền thống cả ngàn năm, được đánh dấu từ năm 1075 với khoa thi Tam Trường để chọn Minh kinh bác học. Với 183 khoa thi đại khoa đã tuyển chọn được gần 2.900 nhà khoa bảng gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sỹ, Phó bảng.

Hiện nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội và Văn Miếu Phú Xuân-Huế là nơi lưu giữ bia Tiến sỹ khắc họ tên, quê quán của các vị tiến sỹ đỗ trong các kỳ thi.

Triển lãm là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sự trọng đạo, coi trọng nhân tài. Triển lãm kéo dài đến cuối tháng 1/2014.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục