Nhân dịp 30 năm ngày Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết về Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 13/11 đã tổ chức tại Paris cuộc triển lãm "Hồ Chí Minh - Con người vì hòa bình, danh nhân văn hóa kiệt xuất."
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong bài diễn văn khai mạc triển lãm, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại UNESCO khẳng định Nghị quyết 18.65 được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 thông qua năm 1987 công nhận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Theo Đại sứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân Việt Nam một di sản tinh thần vô giá. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, không những đề cập đến những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam mà còn chỉ ra vai trò của giáo dục, văn hoá và thúc đẩy giáo dục, văn hóa vì hòa bình và phát triển.
[Khánh thành công trình nhà lưu niệm Bác Hồ tại khu di tích Kim Liên]
Về vấn đề này, Nghị quyết của Đại hội đồng lần thứ 24 của UNESCO đã nhấn mạnh rằng sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của người Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc được khẳng định bản sắc văn hoá và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai khẳng định trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một người kiên định ủng hộ giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tin tưởng vào sức mạnh của văn hoá trong xây dựng dân tộc, việc trao đổi, đối thoại giữa các nền văn hóa và sự đoàn kết quốc tế là vũ khí tốt nhất để đạt được hòa bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova bày tỏ tình cảm gắn bó sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt sự kính trọng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua 3 lần bà đến thăm Việt Nam. UNESCO và Việt Nam đã xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy. Bà Bokova cho rằng với lòng tự hào về lịch sử hào hùng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Cuộc triển lãm cũng là dịp để những người bạn Pháp yêu mến Việt Nam hồi tưởng lại những sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với nhà sử học Alain Ruscio, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những con người vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Ông nhấn mạnh rằng cách đây 100 năm, khi người Việt trẻ tuổi này tới thành phố Marseilles, không ai nghĩ rằng ông sẽ là người khởi xướng công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần to lớn vào xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Với tư tưởng tiến bộ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh lâu dài chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Trong khi đó, bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt cho rằng chiến tranh Việt Nam là sự kiện lớn mang tầm ý nghĩa quốc tế và đất nước Việt Nam ngày nay là thành quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã dốc sức xây dựng trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai.
Nhân dịp này, hai bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà soạn nhạc người Pháp Louis Durey phổ nhạc đã được ca sỹ Mathieu Lécroart trình bày. Ca sỹ Mathieu Lécroart vừa từ Việt Nam trở về sau chuyến biểu diễn vở nhạc kịch Frédéronde tại Thành phố Hồ Chí Minh./.