Triển vọng chính sách của nước Nga tại khu vực Đông Á

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu căng thẳng, Moskva đã quay sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa, Đông Á đang muốn Nga đóng vai tích cực hơn để thúc đẩy ổn định khu vực.
Triển vọng chính sách của nước Nga tại khu vực Đông Á ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng ru.valdaiclub.com mới đây đăng bài viết của giáo sư C. Raja Mohan, Giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ, nhận định rằng chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Singapore để tham dự hội nghị cấp cao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra trong các ngày 13-15/11 làm dấy lên hy vọng rằng Nga và các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có những phối hợp hành động hiệu quả.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu ngày càng căng thẳng, Moskva đã quay sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, Đông Á - vốn mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc - đang muốn Nga đóng vai trò tích cực hơn để thúc đẩy ổn định khu vực.

Singapore, vốn được coi là "trung tâm Đông Nam Á" mang lại cho Putin những cơ hội lớn để mở rộng hợp tác thương mại và khoa học kỹ thuật với khu vực.

Các hiệp định kinh tế song phương mà Tổng thống Nga có thể ký kết với Singapore sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho các nước khác trong khu vực xét trên phương diện tăng cường quan hệ với Moskva.

Trong khuôn khổ tái cấu trúc nền kinh tế sau sự sụp đổ của Liên Xô, chắc chắn Moskva phải chú ý tới Đông Á, khu vực vào những năm 1990 đã trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế.

Sự gia tăng xung đột giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, cũng buộc Nga phải tập trung vào khu vực Á-Âu.


[Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách của Nga]

Trong bối cảnh sức ép chính trị từ phương Tây và các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga gia tăng, mối quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình càng được củng cố.

Điều này góp phần mở rộng không gian hành động trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, nhưng cũng đặt Moskva trước mối đe dọa trở thành "đối tác đàn em" của Bắc Kinh tại Đông Á.

Điều này buộc Moskva phải có cách tiếp cận độc lập đối với Tây Thái Bình Dương bởi những thỏa thuận giữa Nga và Mỹ vẫn chưa có thấy triển vọng, trong khi sự phụ thuộc của Moskva vào Bắc Kinh gia tăng. Putin dường như đang tìm kiếm những cơ hội mới của Nga ở phía Đông. Có 4 nhân tố thôi thúc Putin quay sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương:

Thứ nhất là kinh tế. Trong bối cảnh chịu nhiều thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, các nước châu Á có thể mang lại nhiều lợi ích cho các công ty của Nga trên phương diện hợp tác. Nhiều quốc gia trong số đó có thể giúp Nga mở rộng cơ hội phát triển ở khu vực Viễn Đông.

Thứ hai, khác với EU, ASEAN theo truyền thống thực hiện chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và có thể đề xuất sơ đồ chính trị thích hợp đối với Putin. Rất ít lãnh đạo các nước ASEAN có nhu cầu nêu vấn đề Ukraine trong các cuộc đàm phán với Putin.

Thứ ba là hợp tác kỹ thuật-quân sự. Nga xuất khẩu vũ khí sang một loạt nước trong khu vực, ngoài Ấn Độ và Việt Nam còn có cả Malaysia và Indonesia.

Nga đã hiện đại hóa Bộ Tư lệnh ở Viễn Đông, khôi phục Hạm đội Thái Bình Dương và đang tăng cường cơ sở vật chất tại Thái Bình Dương. Với việc sử dụng hợp lý các phương tiện có trong tay, sức mạnh quân đội Nga có thể trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong sự phát triển năng động chính trị-quân sự.

Thứ tư là phối hợp chiến lược. Việc tham gia các diễn đàn của ASEAN đang củng cố nỗ lực khôi phục vai trò quan trọng trước đây của Moskva trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản và phối hợp hành động với Mỹ bên ngoài các khuôn khổ châu Âu, Đại Tây Dương.

Nhiệm vụ hiện nay của Putin là làm thế nào để những cơ hội xoay trục sang hướng Đông mang lại những kết quả cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục