Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đón tiếp với tư cách khách mời danh dự tại buổi lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh Pháp 14/7, song đằng sau những cái bắt tay thân thiện cũng như cử chỉ thiện chí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, triển vọng quan hệ Pháp-Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
“Paris vẫn là một thành phố xinh đẹp và hòa bình,” Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một nhận xét làm ấm lòng người Pháp sau cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée.
Những đánh giá mang đậm chất lễ tân đó khiến người ta tạm quên đi thái độ được coi là "thù địch" của ông Donald Trump khi còn là ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng.
Tại hội nghị của đảng Cộng hòa tháng 2/2017, ông Trump đã tuyên bố rằng “Paris không còn là Paris nữa.”
Những gì thể hiện trong trong chuyến thăm Paris đầu tiên của Tổng thống Mỹ có vẻ như một sự "xoa dịu" từ cả hai phía. Để chắc chắn có được chuyến thăm thành công, phía Pháp đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
Không một chủ đề gây tranh cãi nào được chính thức đề cập trong cuộc trao đổi hẹp giữa hai nhà lãnh đạo để khỏi ảnh hưởng tới bầu không khí thân thiện.
Chỉ có những vấn đề mà hai bên dễ đạt đồng thuận và cũng hết sức cấp bách là tình hình Syria và cuộc chiến chống khủng bố.
Đó là lý do hai bên đã có một màn thể hiện hết sức hoàn hảo và cả hai đều có lợi từ cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên tại Paris.
Với Tổng thống Mỹ, cuộc gặp “mặt đối mặt” với nhà lãnh đạo Pháp là cơ hội để ông khẳng định hiệu quả và trình diễn chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở "có đi, có lại."
[Pháp muốn củng cố vai trò cường quốc trên sân khấu chính trị]
Việc trở thành khách mời danh dự trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp, đồng thời đánh dấu 100 năm người Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, tạo cho ông cảm giác "dễ chịu" ở một thủ đô lớn của châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp đã có những cuộc gặp không mấy vui vẻ tại các hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hay Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), khi những bất đồng về chính sách thương mại và khí hậu từng đẩy ông Trump vào thế "đối đầu" với lãnh đạo nhiều nước.
Tổng thống Pháp cũng từng chỉ trích gay gắt nhà lãnh đạo Mỹ xung quanh lập trường của ông Trump về chống biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Pháp đã hoan nghênh “quyết tâm” của ông Trump “về thương mại, an ninh của hai nước, cuộc chiến chống khủng bố, sự ổn định tại Trung Đông,” đồng thời cho biết Paris và Washington sẽ “tiếp tục phối hợp với nhau để thực hiện các sáng kiến ngoại giao” trong vấn đề Syria hay Iraq.
Ông chủ Điện Elysée cũng bày tỏ “tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump” về việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris vfeef chống biến đổi khí hậu. Những tuyên bố thân thiện, cử chỉ thân mật và sự nhất trí cao xung quanh những chủ đề được đề cập khiến người ta liên tưởng tới sự trở lại của mối quan hệ chặt chẽ giữa hai cường quốc quan trọng này, giống như cách đây chưa lâu dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống François Hollande.
Sau hàng loạt hoạt động ngoại giao dày đặc gần đây, cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Mỹ lần này cũng được đánh giá là một "cú hích chính trị quan trọng" giúp làm tăng vị thế của cá nhân nhà lãnh đạo trẻ tuổi Macron, người chưa có nền tảng đối ngoại vững chắc, cũng như của nước Pháp.
Từ nay, Tổng thống Emmanuel Macron có thể khẳng định ông sẵn sàng và có thể đối thoại với Mỹ về những vấn đề bất đồng gai góc nhất, từ chống biến đổi khí hậu cho tới thương mại.
Chuyến thăm Paris với tư cách là khách mời danh dự của Tổng thống Mỹ, diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến công du không chính thức của Tổng thống Nga, cùng hàng loạt cuộc ra mắt ấn tượng khác tại châu Âu gần đây của ông Macron đã làm cho dư luận đặt niềm tin vào cách tiếp cận thực dụng và thực tế của vị tổng thống trẻ tuổi, củng cố vị thế của ông ở trong nước, qua đó củng cố vị thế quốc tế của nước Pháp.
Tuy nhiên, không khí "bằng mặt" của cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Mỹ dường như chưa đủ để tái khẳng định mối quan hệ khăng khít và bền vững giữa Paris và Washington.
[Tổng thống Trump cùng 190 binh sĩ Mỹ dự diễu binh mừng Quốc khánh Pháp]
Cách đây hơn một thập kỷ, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng đưa ra nhận xét phản ánh đúng bản chất mối quan hệ song phương: Pháp-Mỹ không bao giờ hết bất đồng.
Quả đúng như vậy, dù có những "giai đoạn trăng mật", tầm nhìn của lãnh đạo hai nước về những vấn đề quốc tế lớn không phải bao giờ cũng trùng nhau và hai nước luôn cạnh tranh nhau gay gắt.
Hai bên đã mâu thuẫn sâu sắc và phải mất nhiều năm mới hàn gắn được quan hệ sau khi Pháp phản đối Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003.
Hiện nay cũng vậy, không chỉ có thương mại hay chống biến đổi khí hậu, còn rất nhiều vấn đề hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là quan điểm của Tổng thống Trump đối với Nga hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quan hệ Pháp-Mỹ nằm trong bối cảnh chung của không gian xuyên Đại Tây Dương, đang xuất hiện hàng loạt rạn nứt từ bên trong do sự tác động của những "lực ly tâm" rất lớn: Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), chính sách của Mỹ, xu hướng hoài nghi châu Âu và dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nước...
Với tính cách trái ngược - một bên là nhà lãnh đạo trẻ tuổi Macron thực tế và sẵn sàng nở nụ cười hòa giải, không ngần ngại có hành động cụ thể để bày tỏ thiện chí ngay cả khi tồn tại bất đồng lớn, luôn nhiệt tình ủng hộ hội nhập châu Âu, với một bên là Tổng thống Donald Trump chủ trương chống toàn cầu hóa, dễ thay đổi với nhiều quyết định gây bất đồng và không thể dự báo trước, quan hệ Mỹ-Pháp khó có thể luôn đi theo một quỹ đạo vạch sẵn.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này là bước đi thực dụng của cả hai bên trong nỗ lực thiết lập mô hình đối thoại xuyên Đại Tây Dương, song khó có thể khiến quan hệ Pháp-Mỹ nồng ấm trở lại./.