Vào đầu giờ chiều nay, giá vàng giao ngay giữ ở mức 2.510,75 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn cũng đi ngang ở mức 2.545,90 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu kéo dài đà tăng tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 26/8, do lo ngại khả năng lan rộng xung đột ở Dải Gaza.
Giá vàng ít biến động
Trong bài phát biểu cuối tuần trước, ông Powell cho biết thời điểm để điều chỉnh chính sách đã đến, ông cũng tin tưởng rằng lạm phát đang trên con đường bền vững trở lại mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Đồng USD đã dao động gần mức thấp nhất trong 13 tháng, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống.
Ông Tim Waterer, trưởng bộ phận phân tích thị trường của công ty KCM Trade, cho biết vàng sẽ vẫn được ưa chuộng nếu đồng USD duy trì đà giảm trước khi Fed hạ lãi suất như dự đoán.
Chuyên gia này dự đoán nếu lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ vẫn giảm, giá vàng có thể tăng lên 2.550 USD/ounce trong tuần này nếu phá vỡ được mức kháng cự 2.530 USD/ounce.
Thị trường dự đoán Fed chắc chắn sẽ hạ lãi suất vào tháng Chín, với 62% khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm và 38% khả năng xảy ra mức giảm 0,5 điểm phần trăm, theo công cụ CME FedWatch. Một môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống còn 29,70 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,5% xuống còn 958,77 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, tại thời điểm 13 giờ 56 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Giá dầu kéo dài đà tăng
Giá dầu kéo dài đà tăng tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 26/8, do lo ngại khả năng lan rộng xung đột ở Dải Gaza có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực, trong khi khả năng hạ lãi suất ở Mỹ đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.
Vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 56 xu Mỹ, hay 0,7%, lên 79,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 75,40 USD/thùng, tăng 57 xu Mỹ, tương đương 0,75%.
Cuộc đụng độ lớn nhất trong hơn 10 tháng qua diễn mới đây ở Gaza đã làm dấy lên lo ngại rằng tình hình căng thẳng ở đây có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột toàn khu vực.
Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở Singapore, cho biết các yếu tố rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường dầu mỏ.
Giá cả hai loại dầu nói trên đều tăng hơn 2% trong phiên trước, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ủng hộ việc bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Sắc xanh bao trùm các thị trường chứng khoán châu Á
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 26/8. Khép lại phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 171,10 điểm, hay 0,97%, lên 17.783,20 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải ghi thêm 1,15 điểm, hay 0,04%, lên 2.855,52 điểm. Đà tăng cũng được ghi nhận tại các thị trường Mumbai, Sydney, Singapore, Đài Bắc, Bangkok và Wellington.
Những bình luận của ông Powell đã tiếp sức cho thị trường, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo cần đề phòng với bất kỳ dữ liệu bất ngờ nào có thể đẩy lùi tâm lý lạc quan.
Cổ phiếu đang trên đà tăng với kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng tới, với tâm điểm tranh luận hiện là mức độ cắt giảm của Fed.
Các nhà giao dịch đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ giảm khoảng một điểm phần trăm trong năm nay.
Tuy nhiên, phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo lại giảm 254,05 điểm, hay 0,66%, xuống 38.110,22 điểm, do áp lực từ sự mạnh lên của đồng yen. Đồng tiền này đã tăng giá sau phát biểu của ông Powell và tín hiệu từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda rằng BoJ có thể tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát và nền kinh tế diễn biến như dự đoán.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý sang loạt số liệu kinh tế mới của Mỹ, trong đó có việc làm, lạm phát và thu nhập cá nhân, sắp được công bố.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Trung Đông sau khi những diễn biến leo thang gần đây đã làm dấy lên lo ngại về khả năng lan rộng xung đột ra toàn khu vực.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 5,3 điểm, hay 0,41%, xuống 1.280,02 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index để mất 1,1 điểm, hay 0,46%, xuống 238,97 điểm./.
Chứng khoán có tuần tăng điểm mạnh nhất từ đầu tháng 7
“Chuyến tàu” VN-Index băng băng tiến về đỉnh cũ với 4/5 phiên tăng điểm. Các nhóm ngành thay nhau bứt phá trong 3 phiên đầu tuần đưa chỉ số vượt ngưỡng 1.280 điểm.