Triệt để ngăn chặn nhập máy móc, thiết bị thải loại về Việt Nam

Thông tư 23 yêu cầu nhập khẩu thiết bị được sản xuất không quá 10 năm và phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng.
Triệt để ngăn chặn nhập máy móc, thiết bị thải loại về Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 1/7/2016, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (sau đây gọi là Thông tư 23) được ban hành ngày 13/11/2015 chính thức có hiệu lực, sẽ thay thế Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ trước đây.

Thông tư 23 này liệu có giải quyết và ngăn chặn được máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu mà các nước đã thải loại nhập khẩu về Việt Nam hay không, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, đơn vị xây dựng Thông tư 23 về vấn đề này.

- Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh việc cần ngăn chặn máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu mà các nước đã thải loại nhập khẩu về nước ta, xin ông cho biết với các quy định của Thông tư 23 này thì đã giải quyết được vấn đề này hay chưa?

Ông Đỗ Hoài Nam: Theo nguồn thông tin mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được, hàng năm Trung Quốc đều công bố loại bỏ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường… Vì vậy, để ngăn chặn việc nhập khẩu vào nước ta các loại máy móc, thiết bị này, năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 6/9/2012 về việc tạm ngừng nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã công bố loại bỏ (2.255 doanh nghiệp) thuộc 18 lĩnh vực, ngành nghề. Theo đó, khi Thông tư 23 có hiệu lực sẽ hủy bỏ hiệu lực của Thông báo số 2527/TB-BKHCN nêu trên.

Tại Điều 4 khoản 3 đã quy định không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng thông tin điện tử.

Thông tư 23 yêu cầu nhập khẩu tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần ngăn chặn nhập khẩu máy móc mà các nước thải loại vào Việt Nam.

- Việc đánh giá tính phù hợp của QCVN/TCVN cơ quan kiểm định nước ngoài khó thực hiện được, hơn nữa ngoại trừ những trường hợp máy móc hoàn toàn cùng loại thì phải tiến hành kiểm tra đối với tất cả các loại máy móc, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí. Ông nói gì về điều này, thưa ông?

Ông Đỗ Hoài Nam: Quy định tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu vì vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7-10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 5 năm; đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10-15 năm, vì vậy quy định tuổi thiết bị là phù hợp.

Đối với quy định thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường nhằm giải quyết vướng mắc khi phải giám định về chất lượng còn lại, Thông tư 23 này không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, thay vào đó là quy định tiêu chí về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khi sản xuất thiết bị, đồng thời giải quyết được một số ý kiến lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm.

Để đáp ứng yêu cầu này khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, doanh nghiệp cần nộp giấy xác nhận của chính nhà sản xuất hoặc chứng thư giám định của tổ chức giám định. Theo đó, tổ chức giám định xem xét hồ sơ giấy tờ kỹ thuật của thiết bị, đối chiếu tiêu chuẩn sản xuất với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn các nước G7 để đưa ra kết luận có phù hợp hay không.

- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu chuyển cả dây chuyền công nghệ sản xuất đang sử dụng từ nước khác về Việt Nam, theo đó có trường hợp tuổi thiết bị vượt quá 10 năm, vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể nhập khẩu và đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam?

Ông Đỗ Hoài Nam: Đối với các trường hợp này Thông tư 23 đã quy định tại khoản 2 Điều 6: Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp: Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư; Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.

Vì vậy, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp kèm theo hồ sơ nhập khẩu tại cơ quan hải quan Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu trong hồ sơ dự án.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp khác nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, kể cả trường hợp dự án đầu tư được chấp thuận theo Quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mà không có Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu thì vẫn phải đáp ứng yêu cầu về hồ sơ nhập khẩu theo quy định tại Điều 8 khoản 2 của Thông tư này.

Các dự án đã được quản lý theo quy định nên các nhà đầu tư cần lưu ý quy định tại Điều 8 Khoản 2c là các thiết bị đã qua sử dụng thuộc dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được phê duyệt hoặc đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án khác hoặc doanh nghiệp khác, trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

Việc quy định này cũng nhằm mục đích ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng chính sách mở để nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng để chuyển nhượng, không phải nhập khẩu cho chính mình sử dụng. Đồng thời, Thông tư 23 cũng quy định thẩm quyền của Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong các trường hợp sau:

Tại Khoản 4 Điều 6 quy định trong trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này đối với thiết bị đã qua sử dụng (thấp hơn 10 năm) và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý.

Tại Điều 13 quy định trường hợp đặc biệt, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, căn cứ hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành xem xét, quyết định.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.