Triều Tiên tố Mỹ-Nhật-Hàn lập liên minh quân sự

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ, Nhật và Hàn thành lập liên minh quân sự ba bên.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 4/12 đã chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập liên minh quân sự ba bên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn tin từ báo trên nhấn mạnh: "Các động thái gia tăng của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thành lập liên minh quân sự ba bên là mối đe dọa và thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả khu vực châu Á và phần còn lại của thế giới."

Bài báo cho rằng mặc dù không có hiệp định chính thức về liên minh quân sự, song Mỹ đang lôi kéo hai quốc gia châu Á trên nhằm gia tăng mạnh mẽ khả năng quân sự để "hình thành mối quan hệ quân sự ba bên."

Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vừa qua và cuộc tập trận đang diễn ra giữa Mỹ và Nhật Bản đều được thực hiện trong khuôn khổ của liên minh quân sự ba bên, và động thái đó làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, đài KBS đêm 3/12 đưa tin quân đội Hàn Quốc đang triển khai các đơn vị tên lửa đất đối không Cheonma đến đảo Yeonpyeong, gần đường ranh giới giữa hai miền Triều Tiên trên Hoàng Hải, nhằm nâng cao khả năng phòng không tại khu vực này. Theo nguồn tin trên, các trang thiết bị hỗ trợ như động cơ và máy phát điện sử dụng để phóng tên lửa Cheonma đã được chuyển tới Yeonpyeong.

Cheonma là tên lửa đối không tầm ngắn có trang bị hệ thống phòng thủ được lắp trên xe bọc thép và bắt đầu được triển khai từ năm 1999. Với tầm bắn tối đa 10km và tầm phát hiện mục tiêu 20km, tên lửa này có khả năng bắn trúng máy bay của đối phương trong vòng 10 giây.

Liên quan tới khả năng nối lại đàm phán sáu bên, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara ngày 3/12 đã yêu cầu Triều Tiên cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới thanh sát chương trình làm giàu urani mới được nước này công bố, coi đây là điều kiện để có thể nối lại các cuộc đàm phán sáu bên hiện đang bế tắc.

Ông Maehara cho biết sẽ thảo luận với các ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc gặp tại Washington vào đầu tuần tới, về các điều kiện để đáp lại đề nghị của Trung Quốc tổ chức cuộc họp khẩn sáu bên, nhằm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo ông, một trong những điều kiện cần thiết là “tăng cường tính minh bạch” của chương trình làm giàu urani của Triều Tiên. Ông cho rằng các cuộc đàm phán sáu bên từ trước tới nay mới chỉ thảo luận chương trình hạt nhân dựa trên plutoni của Bình Nhưỡng, do đó cần thảo luận bổ sung các hoạt động làm giàu urani mới của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục