Trình diễn lụa "Trở về" trên vùng cao: Giăng tơ rồi lại Trở về với Thu

Cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt mang tên :Trở về" của họa sĩ Trần Thị Thu tại Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La) là một cuộc chơi với lụa và khung cửi, nối tiếp của triển lãm Giăng tơ hồi tháng 1/2020.
Trình diễn lụa trên non cao tại Vân Hồ, Sơn La (Ảnh: BTC)
Trình diễn lụa trên non cao tại Vân Hồ, Sơn La (Ảnh: BTC)

Giữa một vùng rừng núi rất to, có một quả đồi nho nhỏ, trên một quả đồi nho nhỏ, có một người đàn bà rất to, trong người đàn bà rất to, có một trái tim nho nhỏ. Và trái tim nho nhỏ đó phập phồng như kén tằm, liên tục nhả ra những sợi tơ dệt nên những mảnh lụa dọc ngang ký ức, loang đầy những vệt màu của thời gian.

“Trân Thù,” cách mà nữ hoạ sĩ Trần Thị Thu tự giễu nhại tên của mình khi gọi lái cái tên Thu Trần mà ra, vô tình gắn người đàn bà này với cái nghiệp “tơ lụa.” “Thù” trong tiếng Hán có nghĩa là con nhện, mà con nhện thì phải giăng tơ suốt cả cuộc đời của mình.

Con nhện giăng tơ, người đàn bà quay tơ đều là những hình ảnh buồn, đầy tự sự. Nhện ơi nhện hỡi, mày chờ mối ai? Còn người đàn bà suy nghĩ gì, mong chờ gì khi ngồi quay tơ mải miết như những vòng luân hồi nối tiếp kèn kẹt, kèn kẹt từ nghìn năm trước đến miên man.

Còn với Thu, lụa là một hình ảnh kế tiếp liên tục của cuộc đời những người đàn bà nước Việt, từ bà Man Thiện mẹ của của Trưng Trắc, Trưng Nhị đến Ỷ Lan, đến nàng Tô Thị hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Những người đàn bà đó dù vĩ đại hay bình thường, dù là hoàng hậu hay quả phụ quê mùa đều gắn với hình ảnh người phụ nữ đảm đang, quay tơ dệt lụa bên khung cửi để dệt nỗi lòng, kéo sợi tơ hy vọng.

Trình diễn lụa "Trở về" trên vùng cao: Giăng tơ rồi lại Trở về với Thu ảnh 1Khung cửi khổng lồ tại cuộc trình diễn (Nguồn: BTC)

Nhìn hình dáng, Thu cũng giống con tằm vĩ đại thật, tròn trĩnh và cong mọng với biết bao tơ tưởng ẩn chứa ở trong lòng, chỉ chờ được nhả ra mà dệt lụa cho đời hiểu chất tơ. Thế nên, Thu mới tìm đến với lụa như một phương tiện để trang trải cõi lòng như một lẽ tất yếu.

Với lụa, con mắt trừu tượng của Thu đã nhìn thấy cả một không gian sáng tạo mới mẻ liên tục nhưng bắt nguồn từ cái gốc cổ truyền. Lụa khi thành hình có màu trắng bạch, có tính thấu quang (để ánh sáng đi qua). Đấy là hai yếu tố để Thu biến hoá lụa thành cả thế giới bằng việc nhuộm màu cho lụa hay vẽ màu lên lụa.

Một tấm lụa trắng khi được nhuộm màu đỏ thì nó biến thành tấm lụa đỏ. Thế nhưng, không phải tấm lụa đỏ nào cũng giống nhau, và nó có cá tính riêng nhờ tính chất lý hoá khi lụa gặp màu, tạo nên độ dày mỏng của màu khác nhau, sự loang màu khác nhau. Và khi căng tấm lụa đã được nhuộm hay vẽ màu lên không trung, độ ẩm và ánh sáng đi qua mảnh lụa lại đóng góp thêm những biến hoá khôn lường khác. Đó chính là sự uyển chuyển biến ảo đầy uyên áo của lụa mà Thu đã nhìn thấy.

Thế nên, Thu đã dồn toàn bộ cuộc đời mình cho thị giác lụa. Thu dùng lụa để kể về cuộc đời của lụa, từ lúc hoài thai đến khi thành hình và tan biến. Tháng Ba năm 2019, Thu đã kể câu chuyện đó qua triển lãm Giăng tơ ở Hội An, tức Faifo – một điểm thương cảng chủ chốt trên “Con đường tơ lụa trên biển.”

Nhưng bây giờ, Thu muốn dùng lụa để kể về cuộc đời của chính mình, một người đàn bà đã trải qua nhiều nỗi gian truân của cuộc đời nhưng vẫn nói nhẹ như tơ và cười mềm như lụa. Tấm thân vĩ đại của nàng Tằm lại leo lên đỉnh núi, mải miết nhả tơ để kể chuyện Trở về”.

Tại sao lại là trở về? Bởi Thu đã trải qua tuổi trẻ ở vùng cao nơi người ta sống như ngàn năm trước. Đó là nơi phụ nữ xe tơ dệt vẽ, trên những hình trang trí nhiều màu có lề luật mà không bao giờ giống nhau. Đó là nơi thần thoại, thi ca và đời sống thâm nhập vào nhau, quá khứ cũng không rời bỏ hiện tại.

Trình diễn lụa "Trở về" trên vùng cao: Giăng tơ rồi lại Trở về với Thu ảnh 2Cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt sẽ được tổ chức vào ngày 9/1 (Ảnh: BTC)

Thu đã tiếp nhận cái di sản trường tồn này, nuôi dưỡng và giữ gìn một cách tự nhiên. Việc vẽ mà nhuộm lên vải lụa là một nhu cầu tự nhiên như một cô gái miền cao tiếp tục làm việc mà mẹ và bà đã làm. Nhờ kiến thức mỹ thuật hội họa được đào tạo bài bản sau này, Thu đã kết hợp được kỹ năng mẫu truyền và sự sáng tạo hội hoạ thành con đường dấn thân vào nghệ thuật của mình.

Những guồng quay của khung cửi cứ mải miết chuyển động, Thu cứ mải miết dấn thân để rồi đến một ngày, Thu thấy cái đích của mình chính là sự trở về: trở về với bản thể, với vùng sinh dưỡng vĩ đại, với miền thơ ấu, với Mẹ thiên nhiên. Và Thu càng nhìn thấy điều đó rõ ràng hơn, khi tìm thấy những tâm hồn đồng điệu.

Phó An My chỉ là một sợi tơ trong ức vạn sợi tơ đã dệt nên cuộc đời Thu. Nhưng người nghệ sĩ piano với tinh thần cải cách trong âm nhạc dân gian đương đại đã làm thức tỉnh trong Thu về tinh thần nghệ thuật đương đại, thôi thúc Thu bước vào hành trình trở về.

Cuộc đời đầy những sự tình cờ và bất ngờ. Thu gặp Phó An My ở Hà Nội. Thế rồi, đến một ngày Phó An My lìa bỏ hẳn mảnh đất kinh kỳ để lên cao nguyên Vân Hồ của tỉnh Sơn La để tiếp tục tìm cảm hứng cho những câu chuyện âm nhạc của mình ở mảnh đất đẹp đẽ này.

Nhưng thật cơ xảo khi đó chính là mảnh đất Thu đã lớn lên suốt thời thơ ấu, rồi đã giã biệt nó để xuống đô thành. Thế nên, khi thấy Phó An My đến tìm sự an yên ở miền đất ấy, trong Thu bỗng cảm thấy mình cần trở về nhà, khi thấy mình cần trở về với thiên nhiên. Đó cũng là lúc Thu thấy mình cần trở về với sự diễn biến của thời gian đã đi qua.

Đại dịch COVID-19 đã thức tỉnh toàn nhân loại, nó khiến con người bình tĩnh suy ngẫm, sống chậm lại và suy nghĩ về việc trở về. Trở về chính là làm mới, chính là con đường hướng tới sự hòa hợp vốn có với thiên nhiên, với nguồn sinh dưỡng cho sự phát triển.

Vì vậy, Thu muốn câu chuyện Trở về của mình phải nương nhờ vào địa thế núi đồi, nương chè, thớt ruộng của thiên nhiên nơi đây để lấy nguồn cảm hứng. Đó sẽ là miền đất trừu tượng, đầy sự biểu hiện của cá tính trong quá trình thực hành nghệ thuật của Thu trong 20 năm qua.

Thu đã chọn địa hình trên PAM Hill tại bản Chiềng Đi, xã Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là nơi thực hiện tác phẩm. Giải pháp cho một ý tưởng được hình thành suốt những năm đi qua đi lại miền đất đẹp này là làm sắp đặt tại một địa hình rộng lớn để thử sức ngoài không gian thiên nhiên, dựa vào địa hình để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và tác phẩm của mình.

Ở không gian này, Thu dùng 500m sắt cho 1 cụm sắt tết vải đường kính 5m và chiều dầy 3,50m làm cụm tơ chính và khoảng 5000m vải tơ sống, 300kg Acrylic, 80 lít màu nước để tạo nên tác phẩm sắp đặt tại địa hình. Một con đường “Trở về” bằng hình ảnh trên hai quả đồi, dưới ánh sáng của đèn LED, sương mù của mùa đông, ánh nắng của mùa xuân, một không gian mới với nhiều cảm giác mới.

Cuộc đời của con tằm là một phần trong chuỗi biến đổi của con ngài (hoặc cũng có thể hiểu là con người). Tơ và lụa chính là một sản phẩm xuất hiện trong chuỗi biến đổi đó. Thế nên, Thu hy vọng rằng, với Lụa, câu chuyện Trở về sẽ được khép kín từ Khởi nguyên đến Hoàn nguyên vào ngày 9/1/2021.

Nghệ sĩ Thu Trần tên thật là Trần Thị Thu (sinh năm 1970), sinh tại Thanh Oai, Hà Nội. Chị là thạc sĩ Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là Giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trước khi tổ chức cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt mang tên Trở về tại Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La), chị từng tổ chức nhiều cuộc trình diễn khác, gần nhất là triển lãm Giăng tơ 3 tại Coco Bay Đà Nẵng tháng 1/2020.

Tranh của họa sĩ Thu Trần có mặt tại nhiều triển lãm, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Nữ họa sĩ từng giành giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, giải khuyến khích khu vực Tây Bắc - Việt Bắc năm 2018, Giải 3 triển lãm Mỹ Thuật Ứng dụng toàn quốc năm tháng 10/2019.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục