Trình diễn tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa-Du lịch

Với chủ đề "Hương rừng sắc núi," chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc khác nhau.
Điểm nhấn của hoạt động là nghi thức cúng vợt sợi bông của người Ba Na và nghi thức cúng dâng tấm zèng của người Tà Ôi. (Ảnh minh họa: BTC)
Điểm nhấn của hoạt động là nghi thức cúng vợt sợi bông của người Ba Na và nghi thức cúng dâng tấm zèng của người Tà Ôi. (Ảnh minh họa: BTC)

Trong suốt tháng 12, chuỗi hoạt động giới thiệu tinh hoa nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc sẽ diễn ra tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Các hoạt động mang chủ đề “Hương rừng sắc núi” có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng cùng nghệ nhân dân tộc từ 11 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Thổ cẩm là một gia tài quý báu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình của xã hội. Cho đến nay, thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá Việt đồng thời là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc. Cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc tượng trưng cho nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nền văn hóa khác biệt.

Trình diễn tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa-Du lịch ảnh 1Khách tham quan sẽ được tìm hiểu quá trình dệt thổ cẩm của các dân tộc. (Ảnh minh họa: BTC)

Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật thiêng liêng. Với đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu.

 Những tấm vải thổ cẩm đến nay vẫn được coi là lễ vật trong đám hỏi, đám cưới hay quà kỷ niệm trong những dịp trọng đại. Hoa văn thổ cẩm phần lớn là hình ảnh chim muông, hoa lá, hạt giống, hiện tượng thiên nhiên hay mô phỏng hoạt động con người, chính điều này đã dệt nên bức tranh đa sắc cho thổ cẩm của đồng bào nơi đây, đưa tinh hoa thổ cẩm nơi đây trở thành di sản văn hóa đáng tự hào.

[Triển lãm 99 khoảnh khắc về đại đoàn kết dân tộc tại Làng Văn hóa]

Điểm nhấn của hoạt động là chương trình giới thiệu trình diễn phục thổ cẩm của các nghệ nhân đồng bào đang sinh sống tại Làng (ngày 31/12 và 1-2/1/2022).

Ngày 1/1/2022, các nghệ nhân sẽ tái hiện nghi thức cúng vợt sợi bông (dyeng toc brai) của dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai và nghi thức cúng dâng tấm zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các dịp cuối tuần trong tháng 12, khách tham quan sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Tây Nguyên-Mùa hoa dã quỳ nở” và trải nghiệm ẩm thực đa dạng, độc đáo của các dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục