Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy (ISPI) mới đây đăng bài bình luận của tác giả Annalisa Perteghella với tiêu đề “Trò chơi nguy hiểm của Trump ở Trung Đông.”
Ngày 5/11, một ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, cũng chính là ngày mà gói trừng phạt thứ 2 của Mỹ chống lại Iran chính thức có hiệu lực.
Sự kiện này là kết quả từ quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thể hiện rõ nét đặc trưng cho chính sách đối với khu vực Trung Đông của chính quyền Mỹ.
Trong chính sách này, Mỹ đã tăng cường hơn nữa quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khu vực là Saudi Arabia và Israel. Đây là một chính sách được đưa ra sau vài năm quan hệ Mỹ-Iran trở nên khá yên bình mà phần lớn nhờ vào quyết định mở cửa cho Iran của cựu Tổng thống Barack Obama - một quyết định đã đặt nền móng giải thoát cho quốc gia bị quốc tế cô lập bởi các đòn trừng phạt khác nhau liên quan đến chương trình hạt nhân.
Quyết định của Obama không phải là sự đầu hàng, mà trên hết đó là nỗ lực tái thiết lập một trật tự khu vực ở Trung Đông bằng cách cân bằng quyền lực giữa các lực lượng chính trị tại Iran và thúc đẩy tính thực dụng từ phe Bảo thủ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Tuy nhiên, bằng cách chuyển hướng mục tiêu của lực lượng đối lập tại Iran sang Israel và Saudi Arabia, ông Trump đang gây ra những rủi ro trong cuộc chơi khi các lực lượng cực đoan có sự liên kết với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - lực lượng vốn đóng vai trò chủ chốt của nền chính trị Iran và một số khu vực bất ổn của các nước khác trong khu vực.
[Mỹ: Vụ sát hại nhà báo Khashoggi gây xói mòn sự ổn định ở Trung Đông]
Tại Trung Đông, chính sách "cân bằng" giữa các cường quốc được thực hiện dưới thời Obama - người chưa bao giờ nghi ngại về các đồng minh truyền thống của Mỹ - sẽ phải nhường chỗ cho chính sách ủng hộ vô điều kiện và độc đoán của Trump dành cho Israel và Saudi Arabia, ngay cả khi các nước này có nguy cơ gây ra các hậu quả làm mất ổn định khu vực.
Cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi là không cần thiết để làm rõ những tác động tiêu cực đến từ bên ngoài của chính sách Trump đối với khu vực Trung Đông, và cái chết của nhà báo này cũng không phải là nguyên nhân cuối cùng khiến Saudi Arabia phải chịu trừng phạt. Saudi Arabia trong hơn hai năm qua luôn tự do đưa ra các quyết định táo bạo trong bất kể vấn đề gì, bất chấp các quy tắc ứng xử dân sự và gây tổn hại cho sự ổn định của khu vực.
Tuy nhiên, Washington chưa bao giờ xử phạt Saudi Arabia kể cả sau vụ bắt cóc thủ tướng Lebanon Saad Hariri cũng như việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar (nơi đặt căn cứ quân sự chính của Mỹ tại Trung Đông).
Bất chấp điều đó, Mỹ vẫn ủng hộ sự can thiệp quân sự gây tranh cãi của Saudi Arabia ở Yemen bằng cách cung cấp hỗ trợ hậu cần và tin tức tình báo cũng như cung cấp vũ khí để tiến hành các vụ đánh bom mà thậm chí gây tổn hại tới cả dân thường.
Trên hết, Washington đã nhận diện kẻ thù được xác định bởi chính các đồng minh. Iran, dưới áp lực của Saudi Arabia và Israel, đã trở thành mối đe dọa chính đối với lợi ích của Mỹ; Lực lượng Anh em Hồi giáo, mối đe dọa được phóng đại rất nhiều từ Saudi Arabia hơn là từ Ai Cập, có khả năng nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ; Palestine bị hạ thấp vị trí do những khó khăn của tiến trình hòa bình Arab-Israel.
Tất cả những điều đó, kết hợp với một sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ và các ưu tiên của mối quan hệ cá nhân (chủ yếu là con rể Jared Kushner và người chống lưng tài chính Sheldon Adelson của Trump), đã dẫn đến sự thất bại trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện có thể góp phần vào sự ổn định của Trung Đông.
Chính quyền Trump nhìn nhận mỗi “hồ sơ” theo cách riêng của mình, điển hình là vào một ngày, ông tuyên bố chuẩn bị rút quân khỏi Syria và ngày hôm sau lại phủ nhận điều đó do nhận thức được rằng làm như vậy sẽ để lại một sân chơi tự do cho Tehran.
Trong một bản sao thu nhỏ của những điều được coi là kết quả mà Trump đạt được trên trường quốc tế, có thể nói rằng khu vực Trung Đông hiện nay đang ngày càng bất ổn hơn so với 2 năm trước. Theo cách hiểu này, Trump đã không làm gì ngoài việc thúc đẩy một quá trình đang diễn ra: sự tan rã từ từ và không thể đảo ngược của trật tự khu vực. Từ đó, việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ trở lên ít quan trọng hơn, khiến những hỗn loạn cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở, và Mỹ cũng như tất cả thế giới dù sớm hay muộn sẽ phải trả giá thêm một lần nữa./.