Dịch COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, Việt Nam ngay sau đó ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2020.
Hơn 1 năm dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới đã khiến nhiều quốc “chao đảo.” Tại nhiều nước, kể cả những nước phát triển nhất, ngành y tế dường như rơi vào tình trạng thất thủ.
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam như một điểm sáng khi vững vàng chống đại dịch, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế ở trạng thái “bình thường mới.”
“Trái ngọt” từ điểm xuất phát rất đáng lo
Những ngày cuối tháng 1/2020, khi Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến dần, Việt Nam chính thức phát hiện hai ca nhiễm bệnh đầu tiên là hai cha con người Trung Quốc du lịch vào Việt Nam.
Nằm giáp Trung Quốc, nơi đầu tiên dịch bùng phát, đến nay COVID-19 tại Việt Nam chia làm 2 giai đoạn lây lan trong cộng đồng và phải thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4 và tháng 7/2020.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nói về công tác chống dịch COVID-19:
Giai đoạn đầu từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Sau đó là các trường hợp mắc bệnh là người Việt trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc); người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch.
Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến nay với các trường hợp mắc mới tại thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.
Trong những thời khắc cận kề chuyển giao sang năm mới Canh Tý, tại cuộc họp khẩn cấp được tổ chức tại Bộ Y tế, cả hệ thống chính trị được kích hoạt bắt đầu một cuộc chiến chống dịch. Những ngày sau đó, Chính phủ liên tục họp bàn nắm diễn biến của dịch để đưa ra các chiến lược, quyết sách triển khai thần tốc đến từng địa phương.
Khi tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn cam go, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, chung sức, đồng lòng chống dịch. Thực hiện lời “hiệu triệu” của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất một lòng quyết tâm phòng chống dịch, với tâm thế “mỗi khu phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ.”
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, người đã có mặt ở hầu hết các điểm dịch tại Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng... cho hay nhìn lại quá trình triển khai phòng chống dịch, có thể thấy Việt Nam đã tạo được nhiều thành quả từ một vạch xuất phát rất đáng lo.
Theo ông Khoa, khi dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn cầu, Việt Nam chính là quốc gia có nguy cơ trở thành một “điểm nóng” về dịch khi sát biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta đã triển khai chống dịch theo từng bước chắc chắn và hiệu quả, không chỉ bám sát diễn biến dịch trên thế giới mà còn chủ động đi trước một bước, đưa ra các biện pháp ứng phó ở tầm mức cao hơn các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch SARS (năm 2003), cúm A/H1N1 (năm 2009), Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương, có sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và toàn thể nhân dân.
Ở thời điểm ấy, đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch như: Hạn chế nhập cảnh, tiến tới dừng nhập cảnh đối với tất cả người từ nước ngoài vào Việt Nam, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng...
Điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới
Trong sự quay cuồng bởi COVID-19 gây ra cho toàn cầu, năm 2020 đã đánh dấu điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thông quốc tế liên tục có bài viết về Việt Nam - hình mẫu chống dịch, bài học kinh nghiệm cho nhiều nước.
Sau khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, Việt Nam đã có những kết quả khả quan, số người mắc và tử vong do COVID-19 tương đối thấp so với các nước trên thế giới, tình hình được kiểm soát. Trong khi đó, dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới liên tục gia tăng nhanh chóng mỗi ngày.
Đến sáng 23/1, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.548 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, với 35 trường hợp tử vong. Trong khi đó thế giới ghi nhận hơn 98 triệu người mắc và hơn 2,1 triệu người tử vong vì COVID-19. Dịch bệnh COVID-19 đã lan ra khắp thế giới với 219 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh.
Đáng lưu ý, tại Mỹ, sau 1 năm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 424.131 người, trong số hơn 25 triệu ca mắc bệnh. Hiện, Mỹ đang có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất toàn cầu.
Ngoài ra, nhờ thành quả từ công tác phòng dịch, Việt Nam nằm trong số ít nước trên thế giới vẫn có thể duy trì các hoạt động kinh tế và xã hội với GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng.
Đánh giá về sự ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19, tiến sỹ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định trong đại dịch COVID-19, rất ít nước trên thế giới có thể giữ nhịp sống ổn định bình thường như ở Việt Nam, đó là thành quả từ nỗ lực của Đảng, Chính phủ cũng như sự đồng lòng của nhân dân Việt Nam.
Quả thực, những nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19 trong 1 năm qua là minh chứng cho một sức mạnh tổng thể của toàn dân tộc, của mọi lực lượng cùng đồng lòng, đồng tâm. Đó là quyết tâm chống đại dịch COVID-19 bằng tâm thế, sức mạnh của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là những “chiến sỹ áo trắng” và những “người lính áo xanh” sẵn sàng đi đầu trên trận tuyến chống dịch.
Ở những tuyến phòng thủ nơi biên giới, là 10.000 chiến sỹ tại 1.068 chốt đã ngày đêm để ăn ở trong lán tạm, ngủ rừng canh đường mòn lối mở, nhường doanh trại cho dân từ những ngày tết gió rét, mưa dầm đến những tháng hè nắng nóng như thiêu dọc tuyến biên giới… Đó còn là việc rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch…
Nhiều chuyến bay từ Việt Nam đã đi vào những tâm dịch đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh “không để một ai bị bỏ lại ở phía sau” trong đại dịch COVID-19
“Ngọn hải đăng” chống dịch: Sức mạnh từ ý Đảng, lòng dân
Hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, đây là một bệnh mới, chưa có sự hiểu biết đầy đủ khoa học về dịch bệnh như: Sự biến đổi của virus, độc lực, khả năng lây truyền, sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể người... Do đó cộng đồng quốc tế vẫn còn có khó khăn trong việc nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu, vắcxin phòng bệnh để đề ra các biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng trên thế giới. Riêng 2 tuần đầu của tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 9,7 triệu ca mắc mới (chiếm 10.5% tổng số mắc từ đầu vụ dịch) và 174.000 ca tử vong (chiếm 8.8%).
Ngày 20/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Anh đã được phát hiện tại ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khi biến thể mới của virus từ Nam Phi đã xuất hiện tại 23 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh được phát hiện lần đầu vào giữa tháng 12/2020. WHO cho rằng biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn 50-70% so với chủng virus ban đầu dù không gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.
Tại Đông Nam Á, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 869.600 trường hợp mắc (25.246 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Philippines với tổng số 494.605 ca nhiễm (9.739 trường hợp tử vong); đã ra thông báo cấm nhập cảnh lên tới 33 quốc gia. Malaysia đã vượt qua Myanmar về số ca nhiễm COVID-19, trở thành vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 563 ca tử vong và 144.518 ca mắc...
Để giữ vững được những thành quả chống dịch trong 1 năm qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đưa ra nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực. Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể như: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng, chống COVID-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...)
Cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, với tinh thần và bản lĩnh riêng, Việt Nam vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch COVID-19 và “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và thích nghi với trạng thái “bình thường mới”./.