Trụ đỡ tăng trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Với tỷ trọng tương ứng 24,3% và 26,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường năm 2022, mảng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho bảo hiểm phi nhân thọ.
Trụ đỡ tăng trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bảo Việt)

Thuộc nhóm có tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, ngành bảo hiểm được kỳ vọng tăng trưởng khi dự kiến GDP năm 2023 tăng 6,5%.

Mảng bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho bảo hiểm phi nhân thọ.

Số liệu thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, về bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất (khoảng 33,2%) với doanh thu đạt 22.414 tỷ đồng tăng 24,3 % so với cùng kỳ năm 2021.

Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 18.101 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trên nền tăng trưởng cao, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới được kỳ vọng tiếp đà tăng, đặc biệt khi nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế về vai trò của bảo hiểm tiếp tục được nâng cao.

Về bảo hiểm sức khoẻ, yếu tố về cơ cấu dân số già hoá và tầng lớp trung lưu tăng mạnh đang thúc đẩy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán DSC chỉ ra rằng, dù tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, nhưng mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh, từ đó thu hút người dân tham gia.

[Doanh nghiệp bảo hiểm chờ tăng trưởng doanh thu phí hồi phục]

Đối với bảo hiểm xe cơ giới, tiềm năng khai thác từ mảng này đến từ xu hướng di chuyển bằng ôtô ngày càng được đẩy mạnh nhờ nhu cầu đến từ tầng lớp trung lưu và định hướng của Bộ Giao thông Vận tải trong việc hạn chế xe máy.

Theo giới phân tích, biên lợi nhuận mảng sức khỏe và xe cơ giới khá thấp, trung bình lần lượt đạt 60% và 62%. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn hướng tới tập trung đẩy mạnh sản phẩm này thể hiện qua tỷ lệ giữ lại cao, trung bình trên 80% do tiềm năng khai thác còn nhiều.

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt từ 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt từ 3,3-3,5% GDP.

Riêng năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022.

Với định hướng phát triển cùng với sự hoàn thiện của hành lang pháp lý về thị trường bảo hiểm khi Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã có hiệu lực từ năm 1/1/2023, tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, nhiều điểm đáng chú ý như doanh nghiệp bảo hiểm được tự chủ động thiết kế, triển khai sản phẩm bảo hiểm mà không cần thông qua Bộ Tài chính; bỏ mức trần với bảo hiểm vi mô để đảm bảo cân đối giữa mức phí và mức độ rủi ro.

Đồng thời, luật không cho phép đầu tư vào bất động sản, trừ khi phải thành lập doanh nghiệp riêng, từ đó hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, hiệu quả.

Tuy vậy, DSC đánh giá, luật sửa đổi sẽ có tác động tích cực nhưng sẽ chưa thể rõ nét trong 2023. Bên cạnh đó, một số điểm vẫn cần được bổ sung trong luật đó là về phân bổ lợi nhuận đồng đều giữa công ty môi giới và công ty bảo hiểm.

Ở góc độ khác, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng với việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo hiểm vi mô.

Rủi ro luôn hiện diện và gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, sản xuất kinh doanh. Người nghèo, người thu nhập thấp là các đối tượng yếu thế, chịu tác động mạnh mẽ trước những rủi ro. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm thương mại của họ bị hạn chế do mức phí bảo hiểm của các sản phẩm thương mại thường cao hơn khả năng tài chính của họ.

Thời gian qua, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội, Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện… đã triển khai chương trình bảo hiểm vi mô với phạm vi bảo hiểm rộng bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro ốm bệnh, ung thư, tai nạn, hỗ trợ giáo dục, với chi phi thấp.

Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, tài sản và thiệt hại.

SSI dự báo, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý; trong đó, lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý 2-3/ 2023.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 17/3, cổ phiếu BMI của Tổng công ty Bảo Minh có giá 25.400 đồng, PTI của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện có giá 31.500 đồng, PGI của Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex có giá 26.300 đồng, BVH của Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt có giá 50.000 đồng, MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội có giá 15.000 đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục