Trung Quốc: Báo động tình trạng sông băng tan chảy ở dãy Kỳ Liên Sơn

Theo dữ liệu của Viện Khoa học, diện tích sông băng tại dãy núi dài 800 km này trong giai đoạn từ năm 1990-2010 thu hẹp nhanh hơn 50% so với giai đoạn từ năm 1956-1990.
Trung Quốc: Báo động tình trạng sông băng tan chảy ở dãy Kỳ Liên Sơn ảnh 1Các nhà khoa học cho biết các sông băng ở Trung Quốc đang tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc(Ảnh: edition.cnn.com)

Các sông băng trên dãy Kỳ Liên Sơn của Trung Quốc đang biến mất với tốc độ nhanh trong khi tình trạng Trái Đất ấm lên dẫn đến sự thay đổi khó lường và nguy cơ thiếu nước lâu dài.

Đây là cảnh báo do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc vừa đưa ra.

Theo dữ liệu của Viện Khoa học, diện tích sông băng tại dãy núi dài 800 km này trong giai đoạn từ năm 1990-2010 thu hẹp nhanh hơn 50% so với giai đoạn từ năm 1956-1990. Điều đáng báo động không kém là độ dày của sông băng cũng giảm, với khoảng 13 mét băng biến mất do nhiệt độ tăng.

[Lượng băng bao phủ ở Bắc Băng Dương giảm xuống mức thấp kỷ lục]

Sông băng Laohugou số 12 nằm trên rìa Đông Bắc cao nguyên Tây Tạng đã rút khoảng 450 mét, tức là khoảng 7%, kể từ đầu năm 1950 khi các nhà nghiên cứu lập trạm quan trắc đầu tiên của Trung Quốc để nghiên cứu sông băng này. Tốc độ tan chảy của sông băng này tăng nhanh hơn trong những năm gần đây. Giám đốc trạm quan trắc Qin Xiang đánh giá sông băng này đang thu hẹp với tốc độ "choáng váng". Với diện tích 20 km2, Laohugou số 12 là sông băng lớn nhất ở dãy Kỳ Liên Sơn. 

Được mệnh danh là cực thứ ba của thế giới, cao nguyên Tây Tạng sở hữu nguồn nước và băng khổng lồ sau Nam cực và Bắc cực. Tuy nhiên, ông Qin Xiang cho biết kể từ đầu năm 1950, nhiệt độ trung bình tại khu vực này đã tăng thêm khoảng 1,5 độ C và không có dấu hiệu ngừng tăng lên, đe dọa 2.684 sông băng tại dãy Kỳ Liên Sơn.

Chuyên gia Shen Yongping thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết tốc độ băng tan trên dãy núi này có nguy cơ lên đến mức đỉnh trong vòng một thập niên, sau đó tốc độ tan sẽ giảm mạnh do các dòng sông băng nhỏ hơn và ít hơn. Ông cảnh báo điều này có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng về nước.

Các nhà khoa học cho rằng những thay đổi ở Kỳ Liên Sơn cũng phản ánh xu hướng băng tan tương tự tại nhiều khu vực khác của cao nguyên Tây Tạng, vốn là nguồn nước của sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) và nhiều con sông lớn khác tại châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục