Trung Quốc đang đe dọa "ngôi vị" số một của Mỹ

Cuộc suy thoái kinh tế gần đây trong ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sẽ là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ và vươn lên vị trí số một.
Mặc dù Mỹ vẫn là nước sản xuất đứng đầu thế giới với 20% tổng sản lượng hàng hóa chế tạo theo số liệu thống kê mới nhất năm 2007, so với 12% của Trung Quốc, song khoảng cách này đang được thu hẹp nhanh chóng và có khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong tương lai gần.

Theo IHS Global Insight, một công ty dự báo kinh tế ở Lexington (Mỹ), Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều hơn xét trên phương diện giá trị gia tăng thực tế của sản phẩm vào năm 2015.

Dùng giá trị gia tăng làm thước đo thì có thể tránh được vấn đề tính toán 2 lần bằng cách cộng các tham số được tạo ra ở mỗi bước của một quy trình sản xuất lớn.

Chỉ cách đây 2 năm, đánh giá của Global Insight cho thấy Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước sản xuất lớn nhất thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2008, công ty này đã rút ngắn mốc thời gian xuống năm 2016 hoặc 2017.

Ông Nariman Behravesh, nhà kinh tế hàng đầu của IHS Global Insight nói: “Cuộc suy thoái kinh tế gần đây trong ngành công nghiệp chế tạo Mỹ đồng nghĩa với thời điểm Trung Quốc đuổi kịp Mỹ sẽ diễn ra sớm hơn so với trường hợp không xảy ra khủng hoảng kinh tế.”

Ngành công nghiệp chế tạo Mỹ - vốn đang bị thu hẹp và phải cắt giảm nhân công - đã sản xuất và xuất khẩu ít mặt hàng hơn, trong khi các nhà máy của Trung Quốc vẫn ngày càng mở rộng. Nếu các nhà sản xuất ở hai bờ Thái Bình Dương đều "ăn nên làm ra" thì sẽ ít có nguy cơ đụng độ.

Tuy nhiên với khoảng chênh lệch thương mại lớn giữa hai nước, và việc vẫn chưa rõ khi nào tình hình sản xuất ở Mỹ sẽ hồi phục, hay hồi phục được đến mức nào, thì sự thăng tiến của Trung Quốc đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng sự sa sút của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ - cả về số lượng việc làm cũng như về tỷ phần trong GDP - là một diễn biến bình thường của nền kinh tế, và nó đã xảy ra từ rất lâu trước khi Trung Quốc trở thành một đầu tàu trên lĩnh vực công nghệ chế tạo.

Theo cách nhìn này, sự sa sút chắc chắn sẽ xảy ra, và là một tín hiệu cho thấy khu vực công nghiệp chế tạo không cần phải quá "đồ sộ" mới phát huy hết năng suất. Mặt khác, thực tế ngành công nghiệp chế tạo Mỹ đang tiến hành giảm công ăn việc làm tay nghề thấp và tạo ra việc làm tay nghề cao hơn.

Ông Behravesh coi sự vươn lên của Trung Quốc là bình thường, hay thậm chí là tốt. Ông nói: “Theo tiến trình thông thường, các nước đi từ nông nghiệp đến công nghiệp rồi đến dịch vụ”. Chính vì vậy, việc trợ giá cho khu vực chế tạo sẽ đẩy Mỹ đi ngược trở lại với tiến trình đó.

Tuy nhiên, một trường phái tư duy khác thì cho rằng sự sa sút của Mỹ không phải là điều bình thường, và cần phải đảo ngược trào lưu này để giúp Mỹ duy trì được sức mạnh kinh tế. Theo quan điểm của họ, phải chống lại chính sách của Trung Quốc thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ đang bóp nghẹt hàng loạt ngành công nghiệp từ may mặc đến sản xuất lốp xe.

Ông Peter Morici, một nhà kinh tế ở Đại học Maryland nói: “Quan niệm cho rằng chúng ta có thể trở thành một xã hội không sản xuất là điều không thể chấp nhận được. Đó là một luận điểm giả khoa học có thế dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh."

Chính quyền Obama đang đi những bước cẩn trọng trong vấn đề nhạy cảm này.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ một diễn đàn mới được lập ra nhằm hỗ trợ sự hợp tác của hai nước, chính sách kiểm soát tiền tệ chặt chẽ của Trung Quốc gần như không được bàn đến cho dù đây là một vấn đề nóng bỏng đối với nhiều nhà sản xuất tại Mỹ và đối với các tổ chức lao động. Họ lập luận rằng Trung Quốc đang hạ thấp giá trị đồng tiền của mình để giành lợi thế xuất khẩu, khi hàng hoá của nước này được bán với giá rẻ hơn ở Mỹ.

Hiệp hội doanh nghiệp và kinh doanh Mỹ đã chỉ trích chính quyền Obama là “ôm gấu trúc”. Hồi đầu năm, Nhà Trắng đã bày tỏ lập trường bớt gay gắt hơn về vấn đề này khi quyết định không đánh giá Trung Quốc là nước thi hành chính sách thao túng tiền tệ.

John Engler, chủ tịch Hiệp hội toàn quốc các nhà chế tạo Mỹ, nhận định Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ trước năm 2020. Ông nói: “Tầm quan trọng của thách thức từ Trung Quốc đối với Mỹ phụ thuộc vào cách thức chúng ta phản ứng với điều đó như thế nào”, chẳng hạn như việc áp dụng các chính sách thuế và đầu tư để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước mở rộng hoạt động.

Bản thân Hiệp hội của ông Engler cũng đang phải đối mặt với vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc. Nhiều thành viên quan trọng của Hiệp hội sản xuất ở Trung Quốc và họ rất muốn tránh những vấn đề gây tranh cãi về thương mại, trong khi số đông thành viên của Hội là các công ty nhỏ thì thường lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.


Ngay cả trong tình hình sa sút, ngành công nghiệp chế tạo vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Khu vực này tạo ra hơn 13% GDP cả nước, đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế so với các khu vực tiêu dùng, tài chính hay y tế. Trong khi ở Trung Quốc, ngành công nghiệp chế tạo chiếm 34% GDP.

Một mối lo ngại khác là các công ty chế tạo Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế sẽ khó có thể phục hồi được.

J.B Brown, Chủ tịch công ty luyện gang Bremen Castings Inc. ở bang Indiana nói rằng suy thoái đang chặn đứng trào lưu đáng mừng xuất hiện từ năm ngoái khi các công ăn việc làm từ Trung Quốc được đưa trở lại Mỹ.

Ông Brown nói rất nhiều người bắt đầu đi tìm cơ hội ở nước ngoài, một phần vì giá cả tiếp tục tăng cao. Ví dụ, giá điện ở Mỹ đã tăng 17% trong năm nay và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những công ty luyện kim như Bremen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục