Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn đối với FDI?

Theo thống kê mới nhất, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay giảm 3,4%, xuống 74,99 tỷ USD.
Theo những số liệu thống kê mới nhất, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay giảm 3,4%, xuống 74,99 tỷ USD.

Tuy là một điểm đến lý tưởng cho đầu tư nước ngoài trong nhiều thập niên qua, nhưng việc FDI rót vào nước này sụt giảm đang gây lo ngại rằng liệu Trung Quốc có phải không còn hấp dẫn như trước.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm FDI vào Trung Quốc là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đối diện với những khó khăn trong lúc hiện trạng kinh tế toàn cầu yếu kém. Minh chứng cho điều này là báo cáo Đầu tư toàn cầu năm 2012 được công bố hồi tháng 7, trong đó cho thấy FDI toàn cầu trong năm nay sẽ giảm xuống khoảng 1.600 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã khiến FDI của khu vực này vào Trung Quốc giảm 2,7%, và đạt 3,99 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, chiến lược của Mỹ chuyển sản xuất về nước cũng góp phần gây nên sự đảo chiều trong dòng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

[Thủ tướng Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc về FDI]


Thêm vào đó, các ngành công nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là những ngành cần nhiều lao động từng tiếp nhận FDI, đang phải chứng kiến sự bão hòa của thị trường, trong lúc khả năng giảm, một phần do giá nguyên liệu thô tăng. Ngoài ra, những thay đổi về kinh tế-xã hội ở Trung Quốc cũng đang làm cho các nhà đầu tư nước ngoài mất lợi thế cạnh tranh trước các nhà đầu tư trong nước.

Những thay đổi có thể kể đến là việc nước này đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường và có những đòi hỏi khắt khe hơn về một cuộc chơi công bằng. Trung Quốc đã thay thế các mức thuế có tính chất ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài bằng một mức thuế chung đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong lúc đó, vai trò của dòng vốn nước ngoài đối với cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi, khi các nhà máy trước đây chỉ sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nước ngoài nay đang hướng nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù vậy, giới quan sát đánh giá Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những lý do được đưa ra là Trung Quốc có sự ổn định về chính trị hơn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, điều vốn là yếu tố chính trong thu hút đầu tư nước ngoài; môi trường kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cũng ổn định hơn, được chứng minh bằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho dù kinh tế toàn cầu xảy ra khủng hoảng - điều đã giúp nước này được ngày càng nhiều nhà đầu tư đánh giá là thiên đường cho khoản đầu tư của họ. Và Trung Quốc có lực lượng lao động dồi dào, có trình độ, có kỷ luật và cần cù./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục