"Xâm chiếm" bằng tiền?

Trung Quốc đang "xâm chiếm" Lục địa Đen bằng tiền?

Tiêu chuẩn để các nước châu Phi trở thành đối tác của Trung Quốc khiến người ta hoài nghi nước này đang "xâm chiếm" châu Phi bằng tiền?
Theo Reuters, hiện nay, ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi lớn tới nỗi các nhà lãnh đạo của châu lục này đang bắt đầu định hình các chương trình nghị sự của họ theo chương trình nghị sự của Bắc Kinh.

Tháng 2/2012, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đọc "thông điệp quốc gia" tại Cape Town. Ông nói: "Trong năm 2012 và xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn Trung Quốc hợp tác cùng Chính phủ Nam Phi tạo ra lực đẩy phát triển cơ sở hạ tầng lớn mạnh."

Khi chào đón ông Tập Cận Bình - Tân Chủ tịch Trung Quốc - tới thăm Nam Phi hồi tháng trước để tham dự hội nghị của nhóm BRICS, Tổng thống Zuma nói: "Chúng tôi coi thành công của Trung Quốc là nguồn hy vọng và cảm hứng của chúng tôi." Có vẻ như ông cũng coi Trung Quốc là mô hình phát triển cho Nam Phi.

Trung Quốc cũng tỏ ra rất quan tâm tới châu Phi. Gần đây, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Tập Cận Bình đã chọn châu Phi (sau chuyến thăm chớp nhoáng tới Mátxcơva), dừng chân tại Tanzania, Nam Phi và Cộng hòa Congo.

Châu Phi là khu vực đầu tư quan trọng nhất của Trung Quốc. Năm 2003, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Phi đạt chưa tới 100 triệu USD, song tới nay, con số này là hơn 12 tỷ USD.

Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại châu Phi, và trao đổi thương mại vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS ở Nam Phi, ông Tập Cận Bình đã trấn an các nhà lãnh đạo châu Phi rằng họ không cần phải lo ngại Trung Quốc giống như "Mạnh Thường Quân" kiểu Mỹ bởi "Trung Quốc sẽ tiếp tục và luôn luôn cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho châu Phi mà không kèm theo các ràng buộc chính trị nào."

Tất nhiên, có thể Trung Quốc không đưa ra các điều kiện ràng buộc chính trị, song lại có hàng loạt ràng buộc về kinh tế và Trung Quốc rất muốn sử dụng những ràng buộc này.

Sự thật là Trung Quốc không quan tâm tới việc đối tác đầu tư của họ theo kiểu hệ thống chính trị nào, liệu có xảy ra tình trạng tham nhũng có hệ thống tại quốc gia đối tác, hay liệu cán cân quyền lực giữa các tập đoàn và các công dân của quốc gia đó có cân bằng hay không.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại quan tâm nhiều tới việc các quốc gia này có thể đem lại lợi gì cho Trung Quốc và nền kinh tế đang nổi lên của họ. Đối với các nước châu Phi, Trung Quốc giống như một chiếc máy rút tiền tự động.

Mặc dù Trung Quốc sử dụng giọng điệu rất thân thiện, song muốn trở thành đối tác kinh tế của Trung Quốc cần phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định. Trên thực tế, những tiêu chuẩn này đang khiến một số người tại Lục địa Đen băn khoăn rằng liệu Trung Quốc có phải là một cường quốc thực dân kiểu mới, "xâm chiếm" châu Phi bằng tiền thay vì sử dụng quân đội?

Năm 2011, từng xảy ra tranh cãi khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi những hành động khai thác của Trung Quốc là "chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi." Tuy nhiên, tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Lamido Sanusi đã viết một bài báo trên tờ Thời báo Tài chính, trong đó có đoạn: "Trung Quốc mua những sản phẩm thô của chúng tôi và bán lại cho chúng tôi những mặt hàng đã qua chế biến. Đây cũng là đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa thực dân."

Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm trên. Shamsuddeen Usman - Bộ trưởng Kế hoạch Quốc gia Nigeria - bày tỏ quan điểm hoàn toàn trái ngược. Ông nói rằng Nigeria yêu thích Trung Quốc bởi Trung Quốc thực sự cho họ tiền.

Vậy Trung Quốc là một kẻ cướp bóc hay là quốc gia có khả năng giúp châu Phi? Câu trả lời phụ thuộc vào vào những sợi dây ràng buộc về mặt kinh tế.

Bắc Kinh hứng thú với những thỏa thuận như vậy không chỉ bởi những thỏa thuận này mang lại lợi nhuận mà chúng còn cung cấp dầu mỏ, khí đốt, kim loại và khoáng sản cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể đưa công dân của họ sang làm việc tại những dự án cơ sở hạ tầng này, đồng thời có thể nhập khẩu số lương thực dư thừa từ các nước châu Phi. Chừng nào Trung Quốc vẫn nhận được đầy đủ những lợi ích này, mọi chuyện sẽ vẫn tốt đẹp.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia nào đó muốn tự thuê nhân công của họ thay vì dùng người Trung Quốc, hay muốn bán số lương thực dư thừa cho nước khác ngoài Trung Quốc, hoặc muốn bán dầu mỏ cho nước khác với giá tốt hơn..., Trung Quốc sẽ thấy phiền lòng và bắt đầu kéo những sợi dây ràng buộc về mặt kinh tế.

Thế còn phương Tây - nơi các chính phủ thường đưa ra những thỏa thuận kèm theo các điều kiện tiên quyết về chính trị?

Hiện Mỹ không thể hành động bởi Chính phủ và lĩnh vực tư nhân của nước này không có được sự nhất trí như ở Trung Quốc. Chính phủ và các tập đoàn không phải lúc nào cũng hướng tới các mục tiêu chung. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang chơi một trò chơi lâu dài - họ viện trợ cho khu vực châu Phi Cận Sahara với hy vọng rằng các quốc gia tại khu vực này sẽ đủ ổn định để cho phép các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ làm ăn. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không "ném" tiền vào một quốc gia nếu nó không ngay lập tức đem lại lợi nhuận.

Cách tiếp cận của Trung Quốc có nhiều hạn chế. Hãy xem xét trường hợp của Sudan - nơi Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các đường ống dẫn dầu để vận chuyển dầu thô từ các cánh đồng phía Nam tới các cảng phía Bắc để xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc nhận ra rằng, khi tiến hành đầu tư vào Sudan, Trung Quốc cần những ràng buộc về chính trị.

Sau khi Sudan bị chia cắt thành hai đất nước năm 2011, dẫn tới sự ra đời của Nam Sudan, chiến tranh đe dọa tàn phá hai đất nước này và các đường ống dẫn dầu của Trung Quốc.

75% lượng dầu mỏ của Sudan trước đây được sản xuất tại Nam Sudan, tuy nhiên tất cả các cảng biển có thể vận chuyển dầu ra thị trường lại ở phía Bắc. Trung Quốc buộc phải nhảy vào làm trung gian cho cuộc xung đột giữa hai nước - động thái hiếm có của Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc phải can dự? Trung Quốc là cường quốc duy nhất không thuộc khu vực châu Phi có lợi ích tại Sudan. Đây là vấn đề lợi ích kinh tế song có liên quan tới chính trị.

Kinh tế và chính trị hầu như luôn gắn kết với nhau. Trong bối cảnh đầu tư của Bắc Kinh tại châu Phi ngày càng tăng, nước này sẽ tạo ra ngày càng nhiều mối liên hệ về chính trị với châu lục này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục