Trung Quốc dựa vào các dòng sông để tăng cường hợp tác với ASEAN

Theo trang HK01, logic và tuy duy hợp tác “dựa vào các dòng sông quốc tế-xây dựng cơ chế hợp tác-tăng cường cầu nối địa kinh tế” nên là mối quan hệ hợp tác có lợi cho Trung Quốc và các nước ASEAN.
Trung Quốc dựa vào các dòng sông để tăng cường hợp tác với ASEAN ảnh 1Sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc. (Nguồn: i4u.com)

Theo bài viết trên trang mạng HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), ở khu vực Tây Nam Trung Quốc có ba con sông quốc tế bắt nguồn từ Trung Quốc.

Sông thứ nhất là Yarlung Tsangpo, hạ lưu là sông Brahmaputra, đổ vào Ấn Độ Dương sau khi chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Thứ hai là sông Nộ Giang, hạ lưu là sông Thanlwin, đổ vào Ấn Độ Dương sau khi chảy qua Trung Quốc, Myanmar. Thứ ba là sông Lan Thương, hạ lưu là sông Mekong, đổ vào Thái Bình Dương sau khi chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Các dòng sông quốc tế có ý nghĩa địa chính trị và địa kinh tế tự nhiên. Nếu các nước thượng nguồn kiểm soát dòng nước thì các nước hạ nguồn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, những khu vực có các con sông quốc tế chảy qua về cơ bản đều liên quan đến việc điều phối chính trị, ngoại giao và kinh tế giữa các nước khác nhau. Nếu không hợp tác sẽ thường xảy ra tranh chấp quốc tế, thậm chí chiến tranh.

Đặc biệt là ở những khu vực tài nguyên nước không dồi dào, tranh giành nguồn nước hạn chế là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiến tranh. Chẳng hạn khu vực sông Jordan ở Tây Á, một nguyên nhân quan trọng của chiến tranh lâu dài giữa Israel và các quốc gia Arập chính là cạnh tranh nguồn nước của sông Jordan.

Ba dòng sông quốc tế từ Trung Quốc đến Đông Nam Á nói trên đều liên quan đến vấn đề sử dụng và chia sẻ tài nguyên nguồn nước giữa các nước ở thượng nguồn và các nước ở trung hạ nguồn. Đặc biệt là sông Mekong, do chảy qua nhiều nước, nên lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của dòng sông này càng lớn.

Theo thống kế của Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), các nước sông Mekong căn cứ vào nhu cầu phát triển của nước mình, xây dựng hơn 300 đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh của sông Mekong. Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Lan Thương. Mỗi khi mùa khô của sông Mekong đến, các đập thủy điện của Trung Quốc trở thành đối tượng “tố cáo” của các nước ở hạ nguồn và các nước ngoài khu vực.

Chẳng hạn, ngày 11/9/2020, tại Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ lần thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó là Stephen Biegun nhấn mạnh, 11 đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng đã gây nên ảnh hưởng bất lợi đối với an ninh lương thực, môi trường và cuộc sống của người dân lưu vực sông Mekong.

Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo còn đưa ra tuyên bố “Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ," yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thượng nguồn bao gồm dữ liệu vận hành các đập nước.

Báo cáo mới nhất do Ủy hội sông Mekong công bố ngày 13/1/2022 cho thấy, số lượng các đập trữ nước và công trình tích nước khác trong lưu vực gia tăng, cộng thêm lượng mưa giảm mạnh và biến đổi khí hậu.

[Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác LMC với các nước khu vực sông Mekong]

Trong 3 năm 2019-2021, lưu lượng dòng chảy của sông Mekong tiếp tục suy giảm, hiện nay đã xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Mùa khô ba năm qua đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường thủy, hệ sinh thái lưu vực sông và sự ổn định ven bờ của sông Mekong, ảnh hưởng tiêu cực đối với sản lượng nghề cá và nông nghiệp, gây nên áp lực đối với sinh kế của hàng chục triệu người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy hội sông Mekong do Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập kiến nghị, bốn nước hạ nguồn sông Mekong cần phải tăng cường điều phối đối với các đập thủy điện lớn và hoạt động tích nước ở lưu vực sông Mekong để giảm nhẹ ảnh hưởng của mùa khô.

Ban thư ký Ủy hội sông Mekong Khata nhấn mạnh không chỉ Trung Quốc, mà tất cả các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong cũng phải chủ động hợp tác để giải quyết những vấn đề này.

Cùng với việc môi trường địa chính trị quốc tế ngày càng xấu, trung tâm nghiên cứu ANBOUND cho rằng, các dòng sông quốc tế có ý nghĩa địa chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Tây Nam có thể sẽ trở thành thách thức địa chính trị và địa kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt, thậm chí sẽ trở thành điểm nóng kích nổ quả bom địa chính trị.

Có thể thấy rằng với tư cách là quốc gia ngoài khu vực, Mỹ đã tích cực can dự vào các vấn đề ở lưu vực sông Mekong, thiết lập cơ chế “Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ," cung cấp nền tảng để can dự vào các vấn đề ở lưu vực sông Mekong vào bất cứ lúc nào.

Đối với các nước có liên quan đến sông Mekong, họ cũng vui mừng thấy rằng sự can thiệp của Mỹ đã cung cấp một loại “cân bằng” để các nước ASEAN cạnh tranh với Trung Quốc.

Đến nay, các nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quốc tế xoay quanh sông Mekong (chính là Lan Thương-Mekong), trong đó ảnh hưởng lớn nhất có 3 cơ chế sau:

Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Năm 1992, ADB khởi xướng sau một loạt tham vấn với 6 nước dọc lưu vực Lan Thương-Mekong bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, cơ chế hợp tác này được đặt tên là hợp tác kinh tế tiểu vùng.

Năm 2002, GMS đã xác định khung chiến lược phát triển 10 năm cũng như ưu tiên thực hiện 11 nhóm dự án hàng đầu trong khuôn khổ này: Hành lang kinh tế phía Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, hành lang kinh tế Nam Bắc, mạng lưới xương sống viễn thông, mạng lưới điện lực, tiện lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, khu vực tư nhân tham gia và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, khung chiến lược bảo vệ môi trường, kiểm soát lũ lụt và quản lý tài nguyên nguồn nước, du lịch.

Hợp tác phát triển lưu vực Mekong-ASEAN (AMBDC) do lãnh đạo cấp cao ASEAN khởi xướng. Tháng 6/1996, Hội nghị Bộ trưởng lần đầu tiên xác định 7 nước ASEAN và các nước dọc theo lưu vực sông Mekong bao gồm Lào, Myanmar, Campuchia và Trung Quốc là những quốc gia then chốt của cơ chế hợp tác này.

Cùng với ba nước Lào, Myanmar và Campuchia lần lượt gia nhập ASEAN, năm 2000 Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở thành thành viên then chốt, tổ chức hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong trên thực tế chính là cục diện hợp tác khu vực của 10 nước ASEAN cộng thêm 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hợp tác bao gồm 8 lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thương mại, nông nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, du lịch, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

Ủy hội sông Mekong (MRC) ra đời vào tháng 4/1995. Bốn nước hạ nguồn sông Mekong là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã ký “Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong” tại thành phố Chiang Rai-Thái Lan, đồng thời quyết định thành lập Ủy hội sông Mekong để thay thế Ủy ban điều phối khảo sát hạ lưu sông Mekong được thành lập vào năm 1957 (Ủy hội sông Mekong cũ), triển khai hợp tác mọi lĩnh vực về khai thác và phát triển lưu vực sông Mekong.

Ngay từ khi thành lập, Ủy hội sông Mekong mới đã mời Trung Quốc và Myanmar ở thượng nguồn tham gia, đồng thời năm 1996 bắt đầu chính thức thành lập quan hệ hợp tác đối thoại với hai nước này, tiến hành hợp tác đối thoại rộng rãi trên 7 lĩnh vực thủy văn, vận tải đường thủy, thủy điện, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và khai thác tài nguyên nước.

Dưới sự thúc đẩy của đa cực hóa chính trị quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế thế giới và khu vực hóa phát triển nhanh chóng, hợp tác khu vực quốc tế Lan Thương-Mekong đã trở thành điểm nóng mới về kinh tế, thương mại và đầu tư của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nước phát triển phương Tây và ASEAN đều coi trọng hợp tác khu vực sông Mekong, lần lượt tham gia vào cơ chế này.

Hướng đến tương lai, đội ngũ nghiên cứu của ANBOUND cho rằng, trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay, dựa vào các dòng sông quốc tế Trung Quốc có thể xem xét thiết lập một cơ chế hợp tác kinh tế mà Trung Quốc có thể phát huy vai trò lớn hơn và mạnh hơn. Không giống như trước đây khi các nước hạ nguồn phát huy vai trò chủ yếu, Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác kinh tế do Trung Quốc chủ đạo trong các khuôn khổ hợp tác đã có.

Các lĩnh vực hợp tác có thể tiếp tục mở rộng, bao gồm: Hợp tác bảo vệ môi trường, kiểm soát lũ lụt và quản lý, phân phối tài nguyên nước, hợp tác thương mại quốc tế, hợp tác đầu tư đối ngoại của Trung Quốc, hợp tác du lịch quốc tế, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác khai thác thủy điện và năng lượng liên quan…

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể xem xét lồng ghép hợp tác đầu tư-kinh tế-thương mại trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), cải cách tiện lợi hóa thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tích hợp với các cơ chế hợp tác sông quốc tế có liên quan, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ngày càng chặt chẽ hơn, nội dung đầy đủ hơn. Bằng cách đó, cơ chế hợp tác kinh tế phiên bản tăng cường dựa vào các dòng sông quốc tế có thể ngăn chặn hiệu quả sự can dự của Mỹ vào khu vực dựa trên những tính toán địa chính trị.

Hiện nay là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc thúc đẩy việc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Trung Quốc nên thiết lập khung hợp tác, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế trước khi xảy ra cọ xát địa chính trị.

Nếu không nắm chắc hợp tác thiết thực, một khi xảy ra bùng nổ địa chính trị trong tương lai, thì Trung Quốc sẽ trở nên khá bị động, không thể nhanh chóng tìm được phương án giải quyết và được các nước liên quan ASEAN chấp nhận.

Trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, ASEAN có số lượng quốc gia nhiều chắc chắn là đối tượng hợp tác phức tạp nhất của Trung Quốc, nhưng cũng là đối tác hợp tác địa chính trị và địa kinh tế quan trọng nhất, nên nhất định có vị trí ưu tiên trong quan hệ quốc tế mới của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc muốn thực hiện mục tiêu chiến lược “hoạch định quản trị xung quanh” thì cần phải tìm ra một số đòn bẩy then chốt có sức ảnh hưởng hệ thống. Logic và tuy duy hợp tác “dựa vào các dòng sông quốc tế-xây dựng cơ chế hợp tác-tăng cường cầu nối địa kinh tế” nên là mối quan hệ hợp tác có lợi cho Trung Quốc và các nước ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục