Đề xuất một số giải pháp cho hợp tác Lan Thương-Mekong

LMC vẫn là một nền tảng liên chính phủ đầy hứa hẹn để thúc đẩy sự phát triển và quản lý nước ở khu vực sông Mekong. Nhờ sức mạnh tổng hợp của mình với BRI, LMC có sẵn nguồn lực để thúc đẩy hợp tác.
Đề xuất một số giải pháp cho hợp tác Lan Thương-Mekong ảnh 1Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Lan Thương lần thứ 6. (Ảnh: TTXVN phát)

Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore vừa công bố tài liệu đánh giá về hợp tác Lan Thương-Mekong, sự thâm hụt niềm tin giữa các nước và đề xuất một số giải pháp.

Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) là một trong những cơ chế hợp tác gần đây nhất được thiết lập ở tiểu vùng Mekong. Không giống như các cơ chế khác được hỗ trợ bởi các quốc gia không ở ven sông, chẳng hạn như Đối tác Mekong-Mỹ (MUP), Hợp tác Mekong-Ganga (MGC), Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (MROK) hoặc Hợp tác Mekong-Nhật Bản (MJC), LMC được thành lập bởi tất cả các quốc gia ven sông để đối phó với thách thức khu vực.

Vai trò của Hợp tác Lan Thương-Mekong

Nguồn gốc của LMC là Sáng kiến Phát triển Bền vững Tiểu vùng Lan Thương-Mekong (ISDL) được Chính phủ Thái Lan giới thiệu vào năm 2012.

Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch xuyên biên giới, an toàn nguồn nước, nông nghiệp và ngư nghiệp. Tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 đã đề xuất LMC, xây dựng dựa trên mô hình ISLD, như một cơ chế mới để phát triển toàn diện ở sông Mekong.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao LMC lần thứ nhất vào tháng 11/2015 đã công bố mô hình hợp tác 3+5, không chỉ liên quan đến hợp tác kinh tế mà còn liên quan đến bảo vệ môi trường và quản lý nước xuyên biên giới.

Các hoạt động của LMC không được chú ý nhiều cho tới tháng 3/2016, khi Trung Quốc xả nước từ đập thủy điện Jinghong để giảm thiểu tình trạng hạn hán kéo dài.

Một số nhà quan sát giải thích việc xả nước khẩn cấp là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Trung Quốc. Tuy nhiên, những người khác lại coi đây là động thái địa chính trị của Trung Quốc nhằm tạo ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước ở hạ nguồn và là một cử chỉ mang tính biểu tượng để đạt được lợi thế ngoại giao trước Hội nghị các nhà lãnh đạo LMC lần thứ nhất vào tháng 3/2016.

[Tiểu vùng sông Mekong trong chiến lược châu Á của Mỹ]

LMC kể từ đó đã được thể chế hóa với việc thành lập các trung tâm LMC khác nhau để điều phối chương trình nghị sự mở rộng. LMC đã cam kết theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ chế khác liên quan đến sông Mekong, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

LMC đã thực hiện nhiều dự án khác nhau về quản lý nước đô thị, an ninh y tế và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở các nước Mekong.

Tuy nhiên, những dự án này phần lớn bị lu mờ bởi các dự án cơ sở hạ tầng khác như đường cao tốc Trung Quốc-Lào, đường sắt Boten-Vientiane, cảng nước sâu Kyaukphyu ở Myanmar và Dự án Cải thiện Kênh Hàng hải, cùng những dự án khác.

Dù bằng cách nào, các dự án của LMC chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Trong khi một số nhà quan sát coi sức mạnh tổng hợp giữa LMC và BRI là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tái cấu trúc cán cân quyền lực ở tiểu vùng sông Mekong, mối liên hệ này cho phép LMC thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển toàn diện của mình với nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể.

Một phép thử căng thẳng lớn đối với LMC diễn ra sau đợt hạn hán nghiêm trọng vào tháng 6/2019 và lo ngại gia tăng về tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn đối với dòng nước.

Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng các dự án đập của Trung Quốc và Lào có thể là nguyên nhân chính khiến các dòng chảy trên sông Mekong ngày càng xấu đi.

Đáp lại Chính phủ Trung Quốc cam kết đẩy nhanh hợp tác nghiên cứu chung với MRC và chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm thông qua Nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong (LMWRC).

Tuy nhiên, nỗ lực của LMC trong việc quản lý nước xuyên biên giới đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát COVID-19 vào đầu năm 2020. Kể từ đó, LMC đã tập trung lại ưu tiên vào việc đảm bảo nguồn vốn cho các dự án đang thực hiện và đã lên kế hoạch cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn cung y tế ở các nước sông Mekong.

Khi các nghiên cứu bị chính trị hóa

Thái độ đối với LMC đã thay đổi mạnh sau tháng 4/2020, khi Nghiên cứu của EoE làm dấy lên lo ngại về mối liên hệ giữa các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc và những thay đổi tiêu cực của dòng nước.

Trong khi mối tương quan giữa các dự án nước dòng chính và hạn hán nghiêm trọng trong những năm gần đây đã được thảo luận rộng rãi, các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy bằng chứng chắc chắn để hỗ trợ những tuyên bố như vậy.

So với các nghiên cứu thủy văn chính thống khác, Nghiên cứu của EoE đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông và các phản ứng khác nhau về những bằng chứng khoa học mới.

Nghiên cứu của EoE đã ước tính lưu lượng nước thực tế dựa trên ảnh vệ tinh và kết luận rằng có mối liên hệ giữa các đập ở thượng nguồn và sự thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông.

Theo các tác giả, mô hình dự báo hiện tại có độ chính xác 89% và cung cấp hướng dẫn tương đối dễ dàng để đo các thay đổi thủy văn trong lưu vực. Để tăng độ tin cậy, Nghiên cứu của EoE đã so sánh các mô hình dự báo của mình với dữ liệu thủy văn của MRC và chứng minh tác động tiêu cực của các đập ở thượng nguồn đối với lượng nước bị “mất tích” tại máy đo ở Chiang Saen, nơi có thể thấy rõ nhất sự thay đổi của dòng nước.

Mặc dù Nghiên cứu của EoE tạo ra một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy thảo luận khu vực về vấn đề này, nhiều nhà khoa học lo ngại về việc hiểu sai các phát hiện của nghiên cứu này.

Hơn nữa, nghiên cứu thiếu một quy trình bình duyệt nghiêm ngặt, cho thấy sự đánh giá khoa học hạn chế đối với các nguồn tài liệu hiện có và không xem xét đầy đủ về các tác động tích lũy từ biến đổi khí hậu và các nhánh sông tả ngạn.

Ngoài ra, vì Nghiên cứu của EoE được tài trợ bởi Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) do Mỹ dẫn dắt, nên tính khách quan của nghiên cứu này cũng được chất vấn.

Dựa trên Nghiên cứu của EoE, Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ đã xuất bản một bài bình luận trên trang web của mình, chỉ trích Trung Quốc “thiếu minh bạch” và các lựa chọn chính sách về nước của họ “coi nước là tài nguyên có chủ quyền hơn là tài nguyên chung.”

Theo đánh giá của Đối tác Australia-Mekong về Hệ thống Năng lượng và Tài nguyên Môi trường (AMPERES), những kết luận mạnh mẽ như vậy về vai trò và động cơ của Trung Quốc trong trận lũ lụt năm 2019 không được chứng minh do “những hạn chế trong nghiên cứu cơ bản về bối cảnh, sự đơn giản của phương pháp, và thiếu so sánh với các nghiên cứu hiện có.”

Hơn nữa, các phát hiện của EoE cũng được sử dụng trong các bài phát biểu của các quan chức Mỹ để gia tăng áp lực chính trị đối với Trung Quốc.

Mặt khác, bất chấp sự leo thang của những hùng biện chính trị và sự hạn chế của các phản hồi khoa học, Nghiên cứu của EoE mang lại một cơ hội để tăng cường hợp tác hiện có về nguồn nước.

Những kết quả tích cực tiềm năng như vậy có thể được thấy trong các sự kiện sau đây. Đầu tiên, tại Hội nghị Lãnh đạo LMC lần thứ 3 tháng 8/2020, Trung Quốc hứa sẽ thực hiện các cam kết về việc chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm và thành lập LMWRC cũng như giải quyết các mối quan tâm chung liên quan đến COVID-19, phục hồi kinh tế khu vực và quản lý tài nguyên nước. LMWRC được đưa ra vào tháng 11/2020; điều này đã giúp thúc đẩy tính minh bạch của dữ liệu thủy văn.

Thứ hai, việc ra đời của MUP tháng 9/2020 báo hiệu Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ phát triển lưu vực sông Mekong bền vững. MUP dựa trên sự thành công của LMI và tiếp tục giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống đã nhận được phản hồi tích cực từ các nước hạ nguồn kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, MUP cũng thể hiện chương trình nghị sự được xác định lại của Mỹ đối với Đông Nam Á như một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược tổng thể với Trung Quốc.

Các động thái địa chính trị liên quan khác bao gồm tăng cường ngân sách quân sự và quốc phòng của Mỹ cho an ninh khu vực, tăng cường Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad), và tăng thành phần hỗ trợ quân sự trong ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ. Sự chú ý ngày càng cao từ Washington tạo ra cả áp lực và động cơ để LMC cải thiện chương trình hợp tác về nước của mình.

Thứ ba, MUP phối hợp với Trung tâm Stimson và các bên liên quan khác đã khởi động dự án Giám sát Đập Mekong (MDM) vào tháng 12/2020 để cải thiện tính minh bạch của dữ liệu thủy văn và hiện thực hóa các phát hiện của Nghiên cứu của EoE.

MDM hiển thị trực quan những thay đổi của dòng nước theo thời gian thực và cung cấp một phương pháp luận chi tiết và các số liệu thống kê hữu ích khác liên quan đến tiểu vùng sông Mekong.

MDM cũng nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý nước xuyên biên giới và bổ sung cho cơ chế MRC hiện có để chia sẻ dữ liệu thủy văn.

Giải pháp nào dành cho LMC?

Có một số cách thức để thúc đẩy khả năng tồn tại và phát triển của LMC. Thứ nhất, thay vì đặt mọi trách nhiệm về phát triển bền vững dòng sông cho Chính phủ Trung Quốc và dựa vào tài trợ của BRI, các nước Mekong khác nên tích cực hơn trong việc đề xuất cải cách LMC và đa dạng hóa các nguồn tài chính cho các hoạt động của LMC.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Myanmar có thể là một yếu tố phức tạp vì Myanmar là đồng Chủ tịch LMC trong năm nay và hiện cũng là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Thứ hai, LMWRC và MDM nên tìm ra một số điểm chung để hướng tới một sự hòa hợp lớn hơn. Cho đến nay, cả hai cơ chế đều hoạt động biệt lập và không chia sẻ thông tin với nhau.

Ngoại trừ sự hợp tác chung của họ với MRC, việc chia sẻ dữ liệu thủy văn và đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ là rất hạn chế. Các lộ trình tương lai cho tiểu vùng sông Mekong đang được thảo luận thông qua nhiều nền tảng “biệt lập” do các bên liên quan khác nhau lãnh đạo.

Nếu không có sự tham gia mang tính xây dựng và có ý nghĩa, đặc biệt là với các bên liên quan của Trung Quốc, các giải pháp để thúc đẩy hiệu quả hợp tác nước Mekong vẫn khó có thể đạt được.

Thứ ba, việc giải thích sai lầm kéo dài các nghiên cứu thủy văn làm xói mòn lòng tin đối với các tổ chức khoa học cần phải được giải quyết. Các thách thức này này bao gồm việc đơn giản hóa quá mức các kết quả nghiên cứu hay áp dụng “các tiêu chuẩn kép” đối với các nghiên cứu thủy văn khác.

Nếu không phi chính trị hóa khoa học, các cuộc điều tra khoa học trong các kênh nghiên cứu chính thức, và sự đồng thuận về việc tuân thủ các tiêu chuẩn nghiên cứu cơ bản, thì sẽ có rủi ro cao là các giải pháp sẽ vẫn ở trong phạm vi của những hy vọng và kỳ vọng sai lầm.

Một vấn đề liên quan khác là chuyển cuộc thảo luận khoa học sang không gian truyền thông, điều này có thể tạo ra tác động hỗn hợp. Mặc dù phương tiện truyền thông đại chúng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề trên thực địa, nhưng điều này đồng thời là mục tiêu dễ dàng cho việc đơn giản hóa và giải thích sai các dữ liệu thủy văn.

Không giống như quy trình bình duyệt tiêu chuẩn trong các tạp chí nghiên cứu có mức độ ảnh hưởng cao, hoặc đối thoại có tổ chức trong các hội nghị nghiên cứu nhằm giảm các tuyên bố thái quá, các nhà khoa học trong không gian truyền thông đại chúng có thể phát triển các lập luận nghiên cứu của họ và điều chỉnh nội dung để biện minh cho niềm tin trước đó của họ.

Do đó, thay vì tìm kiếm “lối tắt nghiên cứu” và “cảm giác truyền thông” sẽ là hợp lý hơn nếu thiết lập sự đồng thuận rộng rãi hơn giữa cộng đồng khoa học liên ngành và xác minh các kết quả nghiên cứu thông qua đánh giá bình duyệt.

Các nghiên cứu trong tương lai nên được tham vấn với MRC và thực hiện các quy trình nghiên cứu tiêu chuẩn để ngăn chặn “chiến tranh thông tin.” Các biện pháp khắc phục khác bao gồm thiết lập cơ chế kiểm tra thực tế và gia tăng hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức liên quan như LMWRC, MRC và MDM.

Để lấy lại niềm tin vào LMC và phi chính trị hóa các vấn đề về nguồn nước, các bên liên quan nên tuân theo các quy trình nghiên cứu tiêu chuẩn và tuân thủ tính khách quan của khoa học.

Do đó, cần có thêm các cuộc điều tra chung và hành động phối hợp giữa các cơ quan liên quan để vượt qua cuộc khủng hoảng nước đang bùng phát và xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước Mekong.

LMC vẫn là một nền tảng liên chính phủ đầy hứa hẹn để thúc đẩy sự phát triển và quản lý nước ở khu vực sông Mekong. Nhờ sức mạnh tổng hợp của mình với BRI, LMC có sẵn các nguồn lực để thúc đẩy hợp tác toàn diện ở các nước Mekong.

Tuy nhiên, LMC vẫn chưa phát triển các khuôn khổ quy chuẩn nhất quán để quản lý nước xuyên biên giới. Mặt khác, nếu Trung Quốc thực hiện cam kết đảm bảo tài trợ cho các dự án LMC trong đại dịch COVID-19, tăng cường hợp tác về nước trong khu vực, đặc biệt là với MRC và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên LMC thông qua sự lãnh đạo tập thể, LMC sẽ có một cơ hội tốt để vượt qua sự hoài nghi hiện tại về độ tin cậy của của sáng kiến này.

Về lâu dài, LMC cần có những thay đổi cấu trúc, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch trong các dự án của mình và giải quyết các vấn đề về nước hiện tại.

Mặc dù LMC có thể có đủ năng lực để giải quyết những thách thức này, nhưng không dễ để thay đổi tư duy hiện có, đặc biệt là sự sẵn sàng còn hạn chế của một số nước thành viên trong việc chịu trách nhiệm nhiều hơn về quản lý nước xuyên biên giới.

Điều đó có nghĩa là áp lực chính trị để thay đổi tư duy này phải đến từ chính các nước Mekong chứ không phải từ các tác nhân nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục