Trung Quốc giảm nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ do tranh chấp thương mại

Số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy số lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ đã giảm hơn một nửa, xuống còn khoảng 263.000 tấn vào năm 2018.
Trung Quốc giảm nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ do tranh chấp thương mại ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy số lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ đã giảm hơn một nửa, xuống còn khoảng 263.000 tấn vào năm 2018, sau khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với mặt hàng này như một phần của những tranh chấp thương mại với Washington.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, song cũng là nước nhập khẩu loại thịt này hàng đầu thế giới. Tổng giá trị thịt lợn nhập khẩu của nước này vào khoảng 4 tỷ USD trong năm 2017.

Tuy nhiên, doanh số bán thịt lợn của Mỹ cho Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi Bắc Kinh tiến hành hai đợt áp thuế vào năm ngoái, đưa tổng mức chịu thuế của mặt hàng thịt lợn đông lạnh từ Mỹ lên tới 62%.

Sự sụt giảm xảy ra đối với cả phần thịt chất lượng cao lẫn các loại nội tạng, những loại trước đây nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng hơn 30%. Lượng nội tạng nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 58% xuống còn 177.041 tấn trong năm 2018, khi Trung Quốc tăng nguồn cung nội tạng từ một số nhà sản xuất nhỏ hơn.

[Mỹ hy vọng vào các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc]

Lượng nhập khẩu các phần thịt chất lượng cao của Trung Quốc vào khoảng 1,19 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2017. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil đã tăng vọt lên 150.116 tấn, nhiều gấp ba lần so với năm 2017.

Đức và Tây Ban Nha là những nhà cung cấp thịt lợn chất lượng cao hàng đầu cho Trung Quốc với mức xuất khẩu đều vượt 200.000 tấn. Còn lượng nhập khẩu loại hàng này từ Mỹ giảm 48% xuống còn 85.650 tấn.

Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể tăng trong nửa cuối năm 2019, do dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan tại các trang trại Trung Quốc sẽ làm giảm mạnh số lượng đàn gia súc của nước này.

Với việc tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết, đây sẽ là một cơ hội lớn cho ngành sản xuất thịt của Brazil sau khi một bạn hàng lớn của họ là Nga hạn chế các lô hàng thịt lợn từ nước này kể từ cuối năm 2017 do phát hiện sử dụng phụ gia thức ăn bị cấm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục