Trung Quốc hoàn tất thử nghiệm tàu đổ bộ thăm dò Sao Hỏa

Theo CNSA, cuộc thử nghiệm tàu đổ bộ thăm dò trên Sao Hỏa diễn ra ngày 14/11 tại một cơ sở không gian tại tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, với sự có mặt của đại diện ngoại giao của 19 nước...
Trung Quốc hoàn tất thử nghiệm tàu đổ bộ thăm dò Sao Hỏa ảnh 1

Giám đốc CNSA Zhang Kejian, cho biết đến thời điểm hiện tại mọi quy trình đều diễn ra suôn sẻ. (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc đã hoàn tất cuộc thử nghiệm tàu đổ bộ thăm dò trên Sao Hỏa nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh lên hành tinh Đỏ đầu tiên của nước này vào năm 2020.

Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho hay cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 14/11 tại một cơ sở không gian tại tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, với sự có mặt của đại diện ngoại giao của 19 nước như Pháp, Italy, Brazil cũng như đại diện của Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và Tổ chức Hợp tác Vũ trụ châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, CNSA đã tiến hành cuộc thử nghiệm mô phỏng quá trình bay thăm dò, tránh vật cản và đáp xuống bề mặt Sao Hỏa của tàu đổ bộ.

Bên cạnh đó cuộc thử nghiệm này cũng mô phỏng lực hút của Sao Hỏa nhằm kiểm tra thiết kế của tàu đổ bộ.

CNSA đã sử dụng một bệ màu đỏ với các dây cáp gắn lên trên nhằm đo lực hút của Sao Hỏa trong khi tàu thăm dò đáp xuống từ một trụ dài bằng kim loại.

[NASA có phát hiện mới về tìm kiếm hóa thạch của sự sống trên Sao Hỏa]

Hạ cánh an toàn xuống bề mặt Sao Hỏa là một trong những thách thức lớn nhất trong sứ mệnh này. Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu thăm dò lên Sao Hỏa vào năm 2020.

Giám đốc CNSA Zhang Kejian, cho biết đến thời điểm hiện tại mọi quy trình đều diễn ra suôn sẻ.

Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ và có tham vọng trở thành một cường quốc trong lĩnh vực này.

Hồi đầu năm nay, tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp xuống vùng tối chưa được thám hiểm của Mặt Trăng và gửi ảnh chụp cận cảnh đầu tiên về khu vực này.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong năm 2017, Trung Quốc đã dành tới 8,4 tỷ USD cho các chương trình nghiên cứu không gian vũ trụ có mục đích dân sự và quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục