Trung Quốc hướng đầu tư vào nước nghèo Đông Âu

Bắc Kinh lại ngày càng quan tâm tới các nước nghèo ở Đông Âu và xây dựng mối quan hệ tài chính với những nước láng giềng của Nga.
Giới quan sát từng cho rằng những nước nhỏ và nghèo, không có mỏ khoáng sản lớn, có lẽ không phải là những nơi mà Trung Quốc muốn đầu tư. Nhưng có một thực tế là Bắc Kinh lại ngày càng quan tâm tới các nước nghèo ở Đông Âu và đang xây dựng các mối quan hệ tài chính với những nước láng giềng của Nga.

Tháng 7/2009, Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ cho Moldova vay 1 tỷ USD, số tiền bằng 1/10 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Âu này và là số tiền vay lớn nhất mà Moldova nhận được.

Ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng bất ngờ trước bước đi này của Trung Quốc.

Ông Duncan Innes-Ker thuộc Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm đến việc đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu, song điều đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh đã hướng tới Moldova - một nước được xem là không có cơ sở hạ tầng, thay vì nhắm đến các thị trường truyền thống hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã tác động mạnh đến Moldova - quốc gia có đến 1/3 GDP phụ thuộc vào tiền mà người lao động Moldova gửi về từ nước ngoài.

Theo Ngân hàng quốc gia, khoản tiền này trong năm 2009 thấp hơn khoảng 30% so với năm 2008. Chuyên gia chính trị thuộc Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu, ông Franklin Steves cho rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào ngành nông nghiệp, rượu vang và dệt may của Moldova.

Đối với Bắc Kinh, khoản cho vay 1 tỷ USD này chứa đựng tiềm năng thương mại lớn và đây có thể là một cách thiết lập mạng lưới khách hàng tại "sân sau' của Liên minh châu Âu (EU). Việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU qua Moldova có thể giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển của Trung Quốc.

Ngoài Moldova, Trung Quốc trước đó đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện và đường sá tại Tajikistan, một quốc gia cũng nghèo đói và ít tài nguyên.

Tháng 3/2009, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhất trí một thỏa thuận về tiền tệ trong ba 3 năm, trị giá 2,93 tỷ USD với Belarus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục