Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng

Tên lửa Trường Chinh-10 đang được phát triển là bước đi chiến lược để Trung Quốc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030 và nước này dự kiến sẽ chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2027.
Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng ảnh 1Tên lửa đẩy Trường Chinh-2D mang theo 14 vệ tinh rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) ngày 15/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các chuyên gia vũ trụ của Trung Quốc cho biết nước này đang phát triển một tên lửa đẩy và một tàu vũ trụ có người lái mới trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2030, có thể đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.

Theo chuyên gia tên lửa Rong Yi tại Viện Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), tên lửa đẩy mới mang tên Trường Chinh-10 chủ yếu được phát triển để đưa tàu vũ trụ và tàu đổ bộ lên Mặt Trăng; sử dụng các nhiên liệu gồm hydro lỏng, oxy lỏng và dầu hỏa.

Rocket này có tổng chiều dài khoảng 92m, trọng tải cất cánh khoảng 2.187 tấn và khả năng chuyên chở khoảng 27 tấn vào quỹ đạo giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Chuyên gia Rong Yi cho biết Trường Chinh-10 là bước đi chiến lược để Trung Quốc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trước năm 2030 và nước này dự kiến sẽ chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2027.

[Trung Quốc phóng vệ tinh mới lên vũ trụ bằng tên lửa Trường Chinh-2C]

Trong khi đó, tàu vũ trụ có người lái mới áp dụng thiết kế module, bao gồm một tháp thoát hiểm, một khoang trở về (Trái Đất) và một module dịch vụ. Con tàu này có thể đáp ứng nhu cầu của các nhiệm vụ gần Trái Đất cũng như các nhiệm vụ thám hiểm không gian sâu.

Theo một chuyên gia khác tại Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc thuộc CASC, tàu vũ trụ có thể chở ba phi hành gia. Tàu chủ yếu được sử dụng để đưa các phi hành gia vào quỹ đạo gần Mặt Trăng và trở lại Trái Đất.

Không giống như tàu Thần Châu có ba module, tàu vũ trụ mới chỉ có hai phần. Phần một gồm khoang trở về Trái Đất là trung tâm chỉ huy của toàn bộ con tàu, đồng thời là nơi ở của các phi hành gia.

Phần hai là module dịch vụ, đóng vai trò là trung tâm năng lượng và cấp điện. Cấu trúc hai module này giúp tàu vũ trụ dễ dàng ghép thêm các phần có thể tái sử dụng.

Trên cơ sở tàu vũ trụ mới, Trung Quốc cũng đang phát triển tàu vũ trụ gần Trái Đất với sức chứa từ bốn đến bảy nhà du hành, chuẩn bị cho lĩnh vực du lịch vũ trụ của nước này trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục