Trung Quốc: Tiêu dùng trong nước tiếp tục đón nhận tín hiệu lạc quan

Doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và vượt mức tăng trong tháng 10/2020 nhờ đợt nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần.
Trung Quốc: Tiêu dùng trong nước tiếp tục đón nhận tín hiệu lạc quan ảnh 1Tiêu dùng Trung Quốc đạt những tín hiệu lạc quan. (Ảnh: Nikkei)

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/12 cho biết doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 11/2020 đã tăng lên trong bối cảnh người tiêu dùng nối lại hoạt động chi tiêu khi dịch COVID-19 gần như đã được kiểm soát.

Theo NBS, doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg và vượt mức tăng 4,3% trong tháng 10/2020 nhờ đợt nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần.

Đại diện NBS cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến sự "phục hồi ổn định" sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, NBS cảnh báo với sự bùng phát dịch bệnh trở lại, quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang đối mặt với vô vàn khó khăn khi ngày càng có nhiều sự bất ổn.

Số liệu công bố ngày 15/12 cũng cho thấy tăng trưởng doanh thu lĩnh vực ăn uống đã giảm khoảng 0,6% trong tháng 11/2020 sau những chuyển biến tích cực trong tháng trước đó. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2020 tăng nhẹ lên 7%, cao hơn so với mức 6,9% của tháng trước.

Theo chuyên gia kinh tế Iris Pang, người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu đang “tiếp sức” cho ngành bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm và trang sức, trong khi đó các mặt hàng y tế tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, mối quan tâm chính của một lượng lớn sinh viên sắp tốt nghiệp, đã giảm nhẹ xuống 5,2% trong tháng 11/2020, tháng giảm thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo con số này có thể cao hơn do số lượng lớn người trong lực lượng lao động không chính thức của Trung Quốc.

[Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng vọt trong tháng 11]

Tại một diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã kêu gọi người dân chấp nhận rộng rãi hơn tiền mặt trong các hoạt động kinh tế, đồng thời khẳng định sẽ xử phạt bất cứ ai từ chối chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Hoạt động thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc thông qua quét mã vạch và các ứng dụng thanh toán bên thứ ba như Alipay (Ant Group) và Tenpay (Tencent Holdings) đã trở nên phổ biến trong những năm qua, khi Chính phủ triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, một số thương nhân và tổ chức đang ngày càng miễn cưỡng chấp nhận tiền mặt vì các lý do như kiểm soát chi phí hoặc trải nghiệm người dùng. Xu hướng này ngày một gia tăng bởi tác động của đại dịch COVID-19.

PBoC nhấn mạnh đồng Nhân dân tệ là phương tiện thanh toán cơ bản nhất và các tổ chức hoặc cá nhân không được phép từ chối. Ngân hàng trung ương cũng sẽ điều tra và trừng phạt các công ty và cá nhân từ chối nhận tiền mặt hoặc áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử đối với việc thanh toán bằng tiền mặt.

PBoC cho biết việc thanh toán một số dịch vụ công cơ bản như điều trị y tế, tiền điện, nước và khí đốt đã dần chuyển sang các kênh trực tuyến. Quá trình chuyển đổi đó đã khiến người cao tuổi bị tụt hậu vì nhiều người trong số họ khó bắt kịp với công nghệ kỹ thuật số mới như những người trẻ tuổi hơn./.

Trung Quốc: Tiêu dùng trong nước tiếp tục đón nhận tín hiệu lạc quan ảnh 2Ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc từ chối tiền mặt do sự tiện lợi của công nghệ. (Ảnh: Getty)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục