Trung Quốc: Tước giải thưởng quốc gia vì đạo văn

Một giáo sư từng làm việc tại Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc đã bị thu hồi Giải thưởng Khoa học công nghệ năm 2005 vì đạo văn.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, mới đây Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc đã ra quyết định thu hồi một danh hiệu trong Giải thưởng Khoa học công nghệ quốc gia năm 2005 với lý do người đoạt giải bị phát hiện đạo văn và đưa ra các số liệu giả mạo.

Cách đây sáu năm, giáo sư Li Liansheng, từng làm việc tại trường Năng lượng thuộc Đại học Giao thông Tây An, cùng đội ngũ của mình đã vinh dự nhận giải nhì Giải thưởng Khoa học công nghệ quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, nhóm trên đã cóp nhặt kết quả từ các nghiên cứu khác cũng như bịa về lợi ích kinh tế của thiết bị mà họ sáng chế.

Cuộc điều tra được phát động sau khi sáu giáo sư khác cùng trường trong năm 2008 đã tố cáo Li Liansheng cùng Shu Pengcheng, một cựu phó hiệu trưởng Đại học Giao thông Tây An, ăn cắp ý tưởng cũng như thổi phồng kết quả nghiên cứu.

Theo các giáo sư này, sáng chế máy nén điều hòa không khí cuộn của Li Liangsheng thực tế đã dẫn tới thiệt hại kinh tế gần 36 triệu Nhân dân tệ (tương đương 5,47 triệu USD) trong khi nhóm nghiên cứu nói rằng nó đem lại lợi nhuận hàng năm tới 11 triệu Nhân dân tệ.

Tháng Ba năm ngoái, Li Liansheng bị tước hàm giáo sư đại học. Trước đó, nhân vật này cũng đã bị cách chức Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quốc gia về máy móc chạy chất lỏng.

Cùng với việc bị thu hồi giải thưởng, nhóm của Li Liansheng còn phải nộp trả lại 100.000 Nhân dân tệ tiền thưởng.

Trường hợp trên càng làm nổi bật vấn nạn trong giới nghiên cứu khoa học Trung Quốc vài năm gần đây là tình trạng đạo văn, thiếu trung thực.

Theo thống kê vừa qua của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, trong năm 2010, các nhà nghiên cứu nước này đã công bố nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nó không thể hiện rõ ràng được về đam mê khoa học cũng như sự phát triển mạnh mẽ về nghiên cứu học thuật.

Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, không ít bài viết, tài liệu được công bố chỉ với mục đích “ghi điểm” cho việc thăng chức./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục