Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp Mỹ trừng phạt

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp Mỹ trừng phạt

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác thương mại với Iran, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp Mỹ trừng phạt ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Nguồn: thenews.com.pk)

Ngày 17/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác thương mại với Iran, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ với điều kiện tiên quyết là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hợp tác minh bạch với Iran. Theo ông Cảnh Sảng, Chính phủ Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Trong khi đó, Iran cũng cho biết công ty dầu lửa quốc gia của Trung Quốc CNPC đang có kế hoạch thay thế Tập đoàn năng lượng Total của Pháp trong một dự án khí đốt lớn tại Iran nếu Total quyết định rút khỏi dự án này do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tiết lộ ý định rút khỏi Iran trước khi các lệnh trừng phạt áp dụng trở lại, bao gồm hãng vận tải dầu Maersk Tankers của Đan Mạch, Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp Total, hãng bảo hiểm Allianz, hãng công nghệ Siemens.

[Mỹ công bố các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran]

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, theo đó các công ty giao dịch với quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Iran bất chấp các tuyên bố của Mỹ.

Cũng trong ngày17/5, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Liên minh Kinh tế Âu-Á (EAEU) do Nga dẫn đầu đã ký một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Iran, theo đó hạ mức thuế quan cho hàng trăm nhóm sản phẩm hàng hóa.

EAEU, gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, cũng có kế hoạch khởi động tiến trình đàm phán 3 năm với Iran về việc thiết lập một khu vực tự do thương mại giữa 2 bên.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015. Nội dung chính của JCPOA yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, đổi lại cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.

Tuy nhiên, hôm 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran bất chấp sự thuyết phục của các đồng minh EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục