Liên quan đến việc Trung Quốc đồng ý xả lũ để cứu hạn, mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long, chiều nay (17/3), ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết việc hồ chứa đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả nước chỉ là giải pháp “giải khát” tạm thời cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo phân tích của các chuyên gia, với dung tích hoạt động tối đa 249 triệu m3 nước, nếu đập Cảnh Hồng xả 2.300m3/s thì sau 30 giờ, hồ này sẽ trơ đáy, không còn nước. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần xả nước trong khoảng thời gian 134 ngày.
“Đó là chưa kể, với chiều dài 4.000km từ thượng nguồn, sau khoảng 2 tuần, thậm chí 3 tuần xả nước mới về đến Việt Nam, lúc đó lượng nước có được cũng không còn nhiều do các nước Thái Lan, Lào và Campuchia được hưởng nhiều hơn. Bởi thế, việc xả nước cho Đồng bằng sông Cửu Long ở đây chỉ là giải pháp ‘cứu khát’ tạm thời, chứ cứu mặn là rất khó,” ông Cường nói.
Về việc Việt Nam gửi công hàm trực tiếp cho Trung Quốc đề xuất xả lũ, ông Cường cho hay, Việt Nam là một thành viên trong Ủy hội sông Mekong, chúng ta có nhiệm vụ phát hiện ra những vấn đề có liên quan tới quản lý khai thác bền vững tài nguyên. Bên cạnh đó, trong lịch sử hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia hạ lưu, mặc dù Trung Quốc chưa phải là thành viên của Ủy hội sông Mekong nhưng cũng có quan hệ thông qua các biên bản ghi nhớ.
“Trên cơ sở đó, ngày 15/3 vừa qua, Trung Quốc đã có thông báo chính thức về việc tăng cường lượng xả từ thủy điện Cảnh Hồng, cách biên giới Lào, Thái Lan 70km về phía thượng lưu. Chúng tôi hy vọng với lượng xả 2.000m3/s sẽ giải quyết được một phần nào đó về khả năng tưới, khả năng cứu hạn ở dưới hạ lưu. Còn khả năng đẩy mặn thì còn phụ thuộc rất nhiều vào đỉnh triều, nếu đỉnh triều tiếp tục cao lên thì việc giải quyết mặn còn khó khăn,” Ông Cường nhấn mạnh.
Phó Chánh văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng lưu ý, theo dự báo, từ nay đến đầu mùa mưa, hạn hán còn rất khốc liệt. Do đó, vấn đề đặt ra trước mắt là, trong thời gian chờ nước từ Trung Quốc về Đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của Việt Nam cần tìm cách để giải quyết vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn.
Cũng tại buổi họp báo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 17/3, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng do tác động của El Nino kéo dài đến tận nửa đầu 2016 nên hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ khốc liệt hơn năm trước, do lượng mưa trong những năm gần đây liên tiếp tụt giảm.
Ông Hải cũng cho biết, đợt hạn hán vừa qua là kỷ lục trong vòng 100 năm qua, nhưng đã được dự báo và cảnh báo từ rất sớm. Theo những dự báo mới nhất, mùa mưa sẽ đến muộn, hạn hán được dự báo còn tiếp tục gay gắt và nghiêm trọng hơn nữa, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
“Trước tình hình trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phối hợp với các bộ tiến hành quan trắc mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay quan trắc sớm hơn hơn một tháng rưỡi so với trung bình các năm. Hiện nay, cứ thường xuyên vào thứ Sáu hàng tuần tại trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đều cập nhật về tình hình xâm nhập mặn, tình hình hạn hán, và đó là công việc còn phải làm tiếp đến mùa mưa để giúp các địa phương ứng phó,” ông Hải nói./.
Theo Wikipedia, đập Cảnh Hồng là một đập làm thủy điện trên sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương), ở vị trí 22°03′9″B 100°45′58″Đ, tọa độ: 22°03′9″B 100°45′58″Đ, gần Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đập này cao 108m, dài 705m, tạo ra một hồ chứa rộng 510km2, 249 triệu m3 nước.
Cảnh Hồng cũng chính là công trình thủy điện duy nhất được Trung Quốc công khai chia sẻ các thông tin mực nước về mùa lũ, dù cho các nước hạ lưu nằm trong Hiệp định Mekong (MRC) đã liên tục kiến nghị Trung Quốc chia sẻ các thông tin mực nước từ năm 2010 đến nay nhưng vẫn chưa đạt được.