Truy xuất nguồn gốc thủy sản để không bị phạt hàng triệu USD

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những chứng nhận bắt buộc đối với thủy sản xuất khẩu sang EU nhằm xác định nguyên nhân các trường hợp có vấn đề về an toàn thủy sản.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản để không bị phạt hàng triệu USD ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu . (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tiến sỹ Siegfried Bank, chuyên gia quốc tế của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) khẳng định: “Không đảm bảo chất lượng, không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt nặng, thậm chí phạt với số tiền lên đến hàng triệu USD.”

Cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo yêu cầu chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU được tổ chức ngày 7/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tiến sỹ Siegfried Bank, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những chứng nhận bắt buộc đối với thủy sản xuất khẩu sang EU. Việc truy xuất nguồn gốc giúp xác định nguyên nhân của những trường hợp có vấn đề về an toàn phát sinh đối với thủy sản.

Trường hợp bị nhiễm khuẩn sản phẩm sẽ bị thu hồi. Do đó, truy xuất nguồn gốc sẽ đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thủy sản.

Nhìn lại quá trình phát triển của ngành thủy sản trong những năm qua, tiến sỹ Siegfried Bank cho rằng, sản lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tương đối thấp, nhưng lại mang về giá trị rất lớn, đứng thứ 4 thế giới về giá trị xuất khẩu thủy sản.

Điều này chứng tỏ sản phẩm thủy sản của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng cao và đã xuất sang các thị trường cao cấp, sẵn sàng chi trả cao hơn về chất lượng sản phẩm. Đây là lợi thế để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, đừng chạy theo các thị trường nhập khẩu sản phẩm mang lại giá trị thấp.

So sánh việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc và EU, tiến sỹ Siegfried Bank phân tích, điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thường khá dễ dàng, đặc biệt là xuất khẩu qua biên mậu, doanh nghiệp không cần lo lắng vấn đề bị kiểm tra về chất lượng, các thủ tục đàm phán…

Thế nhưng, phía đối tác Trung Quốc thường chỉ trả khoảng 1/2-1/3 giá mua so với mức đối tác EU chi trả. Thay vào đó, để có mức giá bán cao khi đưa vào thị trường EU, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về đàm phán, mở L/C, kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng hóa chất kháng sinh…

Lựa chọn thị trường nào, đó là quyết định của doanh nghiệp, nhưng xét về lâu dài, rõ ràng việc lựa chọn thị trường mang lại giá trị gia tăng cao luôn là động lực của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đảm bảo vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng để tránh bị phạt tiền, đồng thời, doanh nghiệp tự định hướng theo các tiêu chuẩn tự nguyện khi làm việc với khách hàng.

Nếu sản phẩm là thủy sản khai thác, doanh nghiệp cần liên hệ Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) để có xác nhận việc khai thác bền vững…

Bà Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, thị trường EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng trong những năm tới.

Thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về các chứng nhận và chính sách của EU đối với xuất nhập khẩu thủy sản.

Hiện EU đang duy trì vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm 18% giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2015, xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,2 tỷ USD, trong đó tôm chiếm 46%, cá tra chiếm 25%, cá ngừ 8,8%.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục