Tuần giao dịch khá thành công của chứng khoán toàn cầu

Chứng khoán toàn cầu đã kết thúc tuần giao dịch này trong sắc xanh trong phiên 5/6, sau khi báo cáo việc làm tháng 5/2020 của Mỹ lạc quan hơn mong đợi.
Tuần giao dịch khá thành công của chứng khoán toàn cầu ảnh 1Chỉ số chứng khoán tăng điểm tại thị trường Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán toàn cầu đã kết thúc tuần giao dịch này trong sắc xanh trong phiên 5/6, sau khi báo cáo việc làm tháng 5/2020 của Mỹ lạc quan hơn mong đợi.

Điều này cho thấy khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng đến sự phục hồi nhanh hơn dự đoán.

Chốt phiên 5/6, chỉ số Dow Jones tăng 829,16 điểm (tương đương 3,15%) lên mức 27.110,98 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 81,58 điểm (2,62%) lên 3.193,93 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 198,27 điểm (2,06%) và khép phiên này ở mức 9.814,08 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) tiến 2,3% lên 6,484.30 điểm.

Chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tăng 3,4% lên 12.847,68 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tiến tới 3,7% lên 5.197,79 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 chốt phiên 5/6 với mức tăng 3,8% lên 3.384,29 điểm.

[Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, chỉ số Nasdaq chạm mức kỷ lục]

Theo giới phân tích, kết quả trên có được là nhờ số liệu về tỷ lệ thất nghiệp lạc quan ngoài dự kiến của Bộ Lao động Mỹ. Trong tháng 5/2020, kinh tế Mỹ đã bổ sung 2,5 triệu việc làm, đảo ngược con số giảm kỷ lục 20,7 triệu việc làm của tháng Tư.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5/2020 giảm từ 14,7% trong tháng 4/2020 xuống còn 13,3%. Trước đó, giới phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng lên mức kỷ lục 19,8%.

Nhìn chung trong cả tuần này, chứng khoán Phố Wall có một tuần giao dịch khá thành công với 4 trên 5 phiên tăng điểm và chỉ một phiên diễn biến trái chiều.

Mở đầu tuần mới trong phiên 1/6, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm nhẹ khi các nhà đầu tư xem xét khả năng bình thường hóa các hoạt động kinh tế. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau, mặc dù có những lo ngại về sự gia tăng số ca mắc trở lại.

Song đà tăng của các chỉ số phần nào bị hạn chế do các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd đã gây lo ngại về những tác động đối với đà phục hồi kinh tế.

Xu hướng tăng vẫn kéo dài trong các phiên 2-3/6, khi các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến các biện pháp kích và việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, thay vì quan tâm đến làn sóng biểu tình tại Mỹ. Trong hai phiên này, các chỉ số chính tại Phố Wall đều tăng quanh mức 0,5-1%.

Phiên 4/6 là phiên duy nhất các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều, với chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 0,05%, còn chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,34% và 0,69%.

Diễn biến này xảy ra khi lòng tin thị trường giảm sút sau báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/6 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 30/5 là 1,877 triệu, cao hơn mức ước tính của thị trường là 1,775 triệu.

Nhưng một ngày sau đó, với báo cáo việc làm tháng 5/2020 tốt hơn mọi dự báo lạc quan nhất của thị trường, ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm mạnh và kết thúc tuần giao dịch khá thành công.

Tính chung trên cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 4,9%, chỉ số Dow Jones tiến 6,8% còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng ghi thêm 3,4%.

Ông Jim Baird, người phụ trách hoạt động đầu tư của công ty kế toán và kiểm toán Plante Moran cho biết, số liệu của một tháng không tạo ra xu hướng cho tổng thể, song sự thay đổi mạnh mẽ trong tháng Năm cho thấy triển vọng trong ngắn hạn đã lạc quan hơn một chút.

Chuyên gia này cho rằng dù còn quá sớm để nhận định con đường phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào, báo cáo việc làm tháng Năm cho thấy một kết quả ít thảm khốc hơn so với dự kiến của thị trường.

Bên cạnh đó, giới quan sát lưu ý rằng báo cáo việc làm mạnh mẽ hơn dự kiến của tháng 5/2020 có thể ảnh hưởng đến quyết định về chính sách hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.

Tính tới hiện tại, Chính phủ Mỹ đã “bơm” khoảng 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế, trong khi bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lên 7.210 tỷ USD vào ngày 3/6 khi Washington nỗ lực giảm thiểu tác động từ yêu cầu đóng cửa bắt buộc để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Các biện pháp này thường được coi là một trong những lý do chính đứng đằng sau sự phục hồi của thị trường chứng khoán từ mức thấp ghi nhận vào ngày 23/3. Thị trường cũng đang kỳ vọng về một đợt kích thích mới từ Chính phủ Mỹ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, số liệu việc làm lạc quan của tháng 5/2020 có thể ảnh hưởng đến đà kích thích tài khóa hiện tại ở Mỹ, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục