Tương lai nào cho các phong trào dân túy ở châu Âu?

Sau một thời gian nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng, bước tiến của các đảng phái theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang chững lại.
Tương lai nào cho các phong trào dân túy ở châu Âu? ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Italy tại Rome ngày 6/6/2018. (Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN)

Sau một thời gian nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng, bước tiến của các đảng phái theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang chững lại.

Tờ Le Monde đăng bài phân tích có nội dung như sau cách đây sáu tháng, chiến thắng của các nhà lãnh đạo phong trào dân túy gần như là áp đảo. Ông Matteo Salvini dẫn đầu các cuộc thăm dò tại Italy, ông Boris Johnson tiến vào phố Downing, phe cực hữu Áo chiếm quyền kiểm soát nhiều bộ và phe dân túy cánh hữu mơ về một bước đột phá quyết định trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Ở hậu trường, Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bận rộn thuyết phục các nhóm dân túy vượt qua sự bất đồng để cùng hợp lực "phá vỡ châu Âu."

Điều bất ngờ là "gió đã đổi chiều" sau đó. Mặc dù có sự tiến bộ rõ rệt trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu nhưng các lực lượng cánh hữu theo phái hoài nghi châu Âu đã không giành được số phiếu cần thiết để có thể tác động đến hoạt động của các thể chế châu Âu.

Hồi giữa mùa Hè vừa qua, Chủ tịch đảng Tự do cực hữu Heinz-Christian Strache của Áo và Chủ tịch đảng Liên đoàn tại Italy đã lần lượt quay lại vị trí phe đối lập. Ông Johnson liên tiếp phải đối mặt với sự chống cự của các nghị sỹ bảo thủ và sự kiểm duyệt của Tòa án tối cao.

Mặc dù đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã giành được những chiến thắng gần đây tại Brandenburg, Sachsen và Thuringia nhưng vẫn luôn phải đối phó với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nhà lãnh đạo lâu năm nhất của những người theo phong trào dân túy châu Âu, vừa phải chịu một thất bại do thất thế ở 12 thành phố lớn, kể cả ở thủ đô Budapest.

Phải chăng các phong trào dân túy đồng loạt mất ảnh hưởng ở châu Âu? Ông Dominique Reynié- Giám đốc Quỹ đổi mới chính trị- nhận định: "Cũng theo cùng cách thức mà các đảng này từng có thời kỳ bành trướng trong bối cảnh khủng hoảng chính trị chung của châu Âu, dường như gần đây họ lần lượt rơi vào giai đoạn trì trệ."

Đối mặt với chủ nghĩa dân túy cánh hữu, các đảng truyền thống buộc phải thiết lập các liên minh tình huống. Ngày 8/8 vừa qua, đảng Liên đoàn đã từ chối liên minh với Phong trào 5 sao (M5S) để yêu cầu bầu cử sớm. Trước tình hình đó, đảng Dân chủ Italy đã gạt qua cay đắng và thù hận để thỏa hiệp với M5S của ông Luigi Di Maio, qua đó làm giảm vai trò của ông Salvini.

[Đức kêu gọi châu Âu đoàn kết đấu tranh với các đảng cực hữu]

Tại Thụy Điển, sau nhiều tháng đàm phán và không chắc chắn, tháng 1/2019, các đảng trung hữu và tự do đã chấp nhận lùi để ủng hộ việc thành lập một chính phủ xã hội dân chủ bất chấp lời kêu gọi từ một bộ phận cánh hữu liên minh với đảng chống nhập cư của phe dân chủ Thụy Điển.

Tại Anh, khoảng 20 nghị sỹ bảo thủ đã tạm thời gia nhập hàng ngũ của phe đối lập để ngăn cản Thủ tướng Johnson áp đặt vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn được gọi là Brexit, "bằng bất cứ giá nào" vào ngày 31/10 vừa qua.

Tại Budapest, chiến thắng của phe đối lập tại cuộc bầu cử địa phương chỉ diễn ra khi có sự xích lại gần nhau giữa một phe cánh tả rất rời rạc và đảng cực hữu Jobbik.

Theo bà Susi Dennison - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm quan hệ đối ngoại Hội đồng châu Âu, những liên minh tình huống chứng tỏ những cố gắng thích ứng với bức tranh chính trị đang ngày càng bị chia rẽ, song chúng chỉ đẩy lùi các phong trào dân túy một cách tạm thời.

Về trung hạn, những liên minh này có nguy cơ củng cố ý nghĩ rằng các phong trào dân túy là hiện thân của người dân khi đối mặt với sự thông đồng của giới tinh hoa. Chiến thắng to lớn mà đảng Liên đoàn của ông Salvini giành được hồi tuần trước tại Ombria là một ví dụ.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gây xôn xao khi bổ nhiệm một ủy viên chịu trách nhiệm "bảo vệ lối sống châu Âu." Sự đổi mới này đã được một số chuyên gia giải thích là một dấu hiệu cho thấy những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, cho dù chịu thất bại về chiến thuật, lại chiến thắng trên mặt trận tư tưởng, đặc biệt về vấn đề nhập cư.

Marc Lazar - Giáo sư lịch sử và xã hội học chính trị của Italy- giải thích rằng tư tưởng của những người theo chủ nghĩa dân túy đang lan rộng một cách nhanh chóng cho dù họ nắm quyền lực hay không. Đây là một vấn đề nan giải đối với các đảng truyền thống trong việc quyết định đồng hành hay phản đối xu hướng này.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giới tinh hoa cầm quyền nối lại đối thoại với các tầng lớp nghèo và yếu thế trong xã hội cũng như ngăn chặn sự rạn nứt văn hóa đang ngày càng sâu rộng.

Có ba nguyên nhân giải thích sự trỗi dậy của các phong trào dân túy tại châu Âu. Thứ nhất là các vấn đề xã hội nảy sinh từ các chính sách "thắt lưng buộc bụng," tình trạng thất nghiệp và cảm giác bất an kinh tế. Thứ hai là sự mất niềm tin vào các thể chế và các đảng phái lớn. Thứ ba là sự lo ngại về văn hóa liên quan đến cuộc khủng hoảng của mô hình hội nhập cũng như sự hòa tan bản sắc do quá trình toàn cầu hóa.

Không giống những năm 1930, chủ nghĩa dân túy ngày nay đôi khi phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia không bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, như trường hợp ở Áo, Ba Lan hoặc Cộng hòa Czech.

Theo ông Alain Dieckhoff - nhà nghiên cứu tại Đại học Science Po, các phong trào dân túy có thể trở thành hệ thống hoặc chí ít rất khó biến mất, đặc biệt khi chính quyền hay các đảng truyền thống không giải quyết được các vấn đề như hố sâu bất bình đẳng ngày càng lớn.

Nếu châu Âu chìm trong một cuộc suy thoái khác hay chịu một làn sóng tấn công khủng bố mới, các phong trào dân túy sẽ càng phát triển.

Bối cảnh để các phong trào này phát triển chính là các cuộc khủng hoảng. Ba kịch bản có thể xảy ra với châu Âu bao gồm khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng di cư, chiến thắng của Chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen tại cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022.

Chắc chắn ý tưởng về cộng đồng dân tộc, ranh giới đối với người nước ngoài, bảo vệ một bản sắc tập thể mạnh, mong muốn làm chính trị, cũng như phong cách, ngôn ngữ... tập hợp những người theo chủ nghĩa dân túy với nhau.

Tuy nhiên, trước hết họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc, do đó họ bảo vệ các lợi ích quốc gia khác nhau. Họ có thể cho thấy hình ảnh tập hợp với nhau chừng nào mà họ còn là phe đối lập ở các nước nhưng khi họ lên nắm quyền thì điều đó sẽ phức tạp hơn nhiều.

Ông Dieckhoff cho rằng sự đa dạng có lẽ là cản trở lớn nhất đối với sự vươn lên của các phong trào dân túy. Ví dụ có những bất đồng giữa bà Le Pen và ông Salvini về chính sách kinh tế hoặc giữa ông Salvini và ông Orban về việc người tị nạn.

Quan hệ của họ với một số "người bảo trợ" cũng khiến họ xa cách nhau. Một số phong trào có quan hệ mật thiết về tài chính và ý thức hệ với Moskva, một số lại hoàn toàn chống Nga.

Trái với những điều mà họ muốn dân chúng tin trong những bài phát biểu chống lại giới tinh hoa, các nhà lãnh đạo phong trào dân túy không phải là những người non nớt.

Lời hứa về sự thay đổi ngay lập tức vẫn sẽ tồn tại chừng nào họ còn ở phe đối lập nhưng sẽ vấp phải nhiều rào cản khó khăn khi thực hiện. Họ đưa ra những lời hứa ảo tưởng so với các chính sách thực tế, như trường hợp những người ủng hộ Brexit nhiệt thành nhất đã thể hiện.

Khi lên nắm quyền, họ tiếp tục hành xử như thể họ vẫn ở phe đối lập, bằng cách đổ lỗi cho các bên khác như bộ máy quan liêu hay phương tiện truyền thông về việc họ không thực hiện kế hoạch đã hứa.

Giáo sư Marc Lazar lưu ý: "Chúng ta đã nhìn thấy điểm yếu của các lãnh đạo dân túy, với bà Le Pen trong cuộc tranh luận giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 hoặc với sai lầm chính trị lớn của ông Salvini hồi mùa Hè năm 2019."

Tuy vậy, câu hỏi lớn là người dân châu Âu bầu cho các phong trào dân túy do họ muốn phản đối các đảng cầm quyền hay vì họ bắt đầu tin vào những lời hứa từ các nhà lãnh đạo phong trào dân túy?

Theo các nhà phân tích, nếu cử tri ủng hộ chủ nghĩa dân túy không phải chỉ để tỏ thái độ không đồng tình với giới tinh hoa cầm quyền, thì các chính đảng truyền thống sẽ khó có thể đẩy lùi các phong trào dân túy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục