Tương quan lực lượng trước thềm bầu cử QH Italy

Kết quả thăm dò mới đây nhất cho thấy khoảng 27,7% số cử tri Italy vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai trong ngày bầu cử Quốc hội tới.
Kết quả các cuộc thăm dò mới đây nhất cho thấy khoảng 27,7% số cử tri Italy vẫn chưa quyết định về việc bỏ phiếu cho ai trong ngày tổ chức bầu cử Quốc hội Italy 24 và 25/2 tới.

Quá trình vận động tranh cử quốc hội năm nay tại Italy cho thấy mặc dù là đất nước có đến hàng chục đảng phái từ các chính đảng lớn ở tầm quốc gia cho đến các đảng nhỏ chỉ giới hạn trong phạm vi một vùng, song cuộc đua năm nay để giành 630 ghế tại Hạ viện và 315 ghế tại Thượng viện sẽ là cuộc chạy đua của các phe phái chính trị lớn chủ chốt gồm liên minh trung tả, liên minh trung hữu, liên minh trung dung và phong trào tẩy chay chính trị đang lên của danh hài Beppe Grillo.

Liên minh trung tả, bao gồm đảng Dân chủ (PD) với nhà lãnh đạo là ông Pier Luigi Bersani, đảng Cánh tả, Môi trường và Tự do (SEL) cùng với các đảng nhỏ trung tả khác. Liên minh trung hữu gồm đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, đảng Liên đoàn Phương Bắc (LN), đảng Những người anh em Italy (Fratelli d’ Italy).

Liên minh trung dung do Thủ tướng tạm quyền Mario Monti lãnh đạo, gồm đảng “Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Trung dung - UDC và đảng “Tương lai và tự do cho Italy (FLI). Còn phong trào tẩy chay chính trị của danh hài Beppe Grillo chính thức được gọi là Phong trào 5 Sao (M5S).

[Tổng tuyển cử Italy thu hút sự quan tâm của dư luận]

Kết quả cuộc thăm dò gần đây nhất do hãng Demos tiến hành từ ngày 4-6/2 cho thấy Liên minh trung tả của ông Bersani hiện đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 34,1%. Tỷ lệ ủng hộ này đã bị giảm 4% so với tỷ lệ 38,1% được ghi nhận trong cuộc thăm dò tiến hành vào nửa cuối tháng 1. Trong khi đó, đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Berlusconi trong khoảng thời gian nước rút (từ giữa tháng 1/2013 đến đầu tháng 2/2013) đã nâng tỷ lệ ủng hộ lên thêm 2%, đưa tỷ lệ ủng hộ đối với PDL tăng từ 18% lên 20%. Tỷ lệ ủng hộ đối với toàn bộ liên minh trung hữu gồm PDL, LN và một số đảng nhỏ khác đã tăng từ 25,8% lên 28,6%. Còn liên minh trung dung của Thủ tướng Mônti hầu như vẫn giữ nguyên tỷ lệ ủng hộ ở mức khoảng 16%.

Về phần đảng M5S, mặc dù mới được thành lập nhưng nhờ đánh trúng tâm lý của một bộ phận cử tri Italy vốn lâu nay đã mất lòng tin vào giới chính trị gia, đảng này đã thu hút thêm được khoảng 3% số phiếu, nâng tỷ lệ ủng hộ từ 13% lên 16%. Cuộc thăm dò của Demos cũng cho thấy số người không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này có thể sẽ lên tới 25% (dân số Italy khoảng trên 60 triệu, trong đó số người trong độ tuổi đi bầu cử là khoảng 47 triệu).

Trên cơ sở kết quả của các cuộc thăm dò dư luận bấy lâu nay, một số chuyên gia nhận định liên minh trung tả sẽ giành được thắng lợi tại Hạ viện, nhưng sẽ không giành đủ một đa số để tạo lập sự ổn định.

Có ý kiến cho rằng liên minh trung dung của ông Monti nhiều khả năng sẽ liên minh với phe trung tả để hình thành nên một liên minh đa số, nhưng lãnh đạo PD, ông Bersani ngày 21/2 đã bác bỏ khả năng tham gia vào một chính phủ liên minh rộng lớn với việc nói rằng điều này sẽ không tạo nên sự thay đổi thỏa đáng và không có lợi cho Italy.

Ông Bersani cũng đồng thời bác bỏ những dự đoán cho rằng cử tri Italy sẽ phải đi bỏ phiếu trở lại một lần nữa bởi vì sẽ không có đảng nào giành thắng lợi rõ ràng trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 24 và 25/2 tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục