Tỷ lệ thanh toán nợ đe dọa nước đang phát triển

Sự tăng trưởng kinh tế của những nước đang phát triển bị đe dọa bởi tỷ lệ thanh toán nợ chiếm tới 17% tổng thu nhập của chính phủ.
Ngày 9/11, phát biểu tại Hội nghị Quản lý nợ do Hội nghị Liên hợp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD) tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi cảnh báo các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với tai họa kép của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.

Sự tăng trưởng kinh tế của những nước này đang bị đe dọa bởi tỷ lệ thanh toán nợ chiếm tới 17% tổng thu nhập của chính phủ, và vì vậy việc đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 càng khó khăn hơn.

Theo ông Supachai, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã làm suy yếu khu vực ngân hàng của các nước có thu nhập thấp. Nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài tới sau năm 2010, hàng loạt ngân hàng ở các nước đang phát triển sẽ bị phá sản, gây căng thẳng cho ngân sách vốn ở trong tình trạng nguy hiểm của những nước này.

Các nước đang phát triển đứng trước bế tắc nghiêm trọng khi tìm cách vượt nghèo đói để đạt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Vay nợ cao để nỗ lực đạt các mục tiêu phát triển cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và các cơ sở hạ tầng khác cần thiết để phát triển kinh tế dài hạn.

Với tỷ lệ thanh toán nợ quá cao, tăng trưởng của những nước này sẽ chậm lại. Nhưng nếu không tiếp tục vay nợ để đầu tư, nhiều nước lại rơi vào tình trạng chậm phát triển.

Trong bối cảnh này, UNCTAD đã khởi xướng và bắt đầu thực hiện dự án quan trọng “thúc đẩy tín dụng chủ quyền” nhằm giúp nước chủ nợ và nước vay nợ thiết lập các tiêu chuẩn có thể tránh được khó khăn trong thanh toán định kỳ và dễ dàng giải quyết các tranh chấp.

Hội nghị lần thứ 7 về quản lý nợ của UNCTAD khai mạc ngày 9/11 tại Geneva đã thu hút đại diện của hơn 100 nước tham dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục