Tỷ lệ tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu giảm mạnh

Tỷ lệ trẻ em tử vong do nhiễm bệnh sởi trên toàn cầu đã giảm gần 75% tính từ năm 2000 trong khi nguy cơ thiếu vắcxin đang hiện hữu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/1 công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ em tử vong do nhiễm bệnh sởi trên toàn cầu đã giảm gần 75% tính từ năm 2000, tuy nhiên tình trạng thiếu vắcxin đang đe dọa phá hoại thành quả này.

WHO cho biết số ca tử vong do sởi đã giảm từ 542.000 trường hợp trong năm 2000 xuống còn 158.000 vào cuối năm 2011. Trong khoảng thời gian đó, các ca nhiễm mới cũng giảm tới 58%, xuống còn 355.000.

Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do sởi giảm đáng kể chủ yếu là do việc tăng cường cung cấp vắcxin phòng sởi cho trẻ em ở phạm vi rộng. Từ năm 2000, hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn cầu đã được tiêm phòng. Tất cả trẻ em nếu được tiêm 2 liều vắcxin phòng sởi sẽ tránh được nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, WHO cũng cho biết mặc dù các chương trình tiêm chủng phòng sởi cho trẻ em đã được nhân rộng, nhưng lượng vắcxin chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Trong năm 2011, có tới 20 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tiêm liều phòng sởi thứ nhất. Hơn một nửa trong số đó sống tại 5 nước Ấn Độ (6,7 triệu em), Nigeria (1,7 triệu trẻ em), Ethiopia (1 triệu trẻ em), Pakistan (900.000 trẻ em) và Cộng hòa Dân chủ Congo (800.000 trẻ em).

Tiến sỹ Robert Perry, quan chức WHO, cho biết dù dữ liệu điều tra cho thấy tình trạng tử vong do sởi đã giảm, nhưng trong năm 2011, WHO đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch lớn và nguy hiểm. Như tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận 134.042 ca bệnh sởi trong năm 2011, Ấn Độ 29.339 ca, tiếp đó là Nigeria với 18.843 ca.

Thậm chí, tại Pháp có tới 14.949 ca nhiễm bệnh, Italy 5.189 ca và Tây Ban Nha 3.802 ca, trong đó nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát tại châu Âu chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và phần lớn trẻ em không được tiêm phòng.

Năm ngoái, WHO đã đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 95% số ca tử vong do sởi trên toàn cầu, và đến năm 2020 phải loại bỏ bệnh sởi và Rubella tại ít nhất 5 trong tổng số 6 khu vực trên thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục