Ukraine kêu gọi ngăn chặn tái diễn thảm họa hạt nhân Chernobyl

Ngày 26/4/1986, 1 trong 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã phát nổ, thải hàng nghìn tấn chất phóng xạ vào khí quyển và ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của châu Âu.
Ukraine kêu gọi ngăn chặn tái diễn thảm họa hạt nhân Chernobyl ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân 35 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl (26/4/1986-26/4/2021), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân và ngăn chặn tái diễn thảm họa hạt nhân tồi tệ trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra lời kêu gọi trên trong chuyến đi tới Vùng Cấm Chernobyl - vùng có bán kính 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân đã được sơ tán sau vụ nổ và được cho là không an toàn đối với cuộc sống của con người trong hàng nghìn năm.

[Chernobyl cho ra đời chai "rượu phóng xạ" đầu tiên]

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Nhiệm vụ của chúng ta là làm mọi thứ có thể để tăng cường an ninh và củng cố an toàn nhằm ngăn chặn một thảm họa tương tự tái diễn trong tương lai."

Ông nhấn mạnh tới trách nhiệm chung của các nước đảm bảo tương lai và  một hành tinh an toàn.

Tại thủ đô Kiev, hàng chục người bao gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo và những cựu chiến binh lớn tuổi đã tham gia lễ tưởng niệm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Trong khi đó, hàng chục người đã tụ tập gần "thị trấn ma" Pripyat, thắp nến tưởng nhớ những người đã khuất trong thảm họa này.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi thông điệp, trong đó đề cao sự đoàn kết vì lợi ích chung.

Theo ông, phóng xạ đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm nghìn người, khoảng 350.000 người sống tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã phải rời bỏ nhà cửa.

Tổng thư ký Guterres nêu rõ: “Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ, rút ra bài học và hướng về tương lai. Kể từ năm 1986, những nỗ lực chung của Liên hợp quốc và thế giới đã giúp những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp dần phục hồi.”

Thông điệp cũng đề cao sự đoàn kết vì lợi ích chung: “Thảm họa không có biên giới. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn và xây dựng sự phục hồi mạnh mẽ từ đống đổ nát, tương tự như việc ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.”

Ngày 26/4/1986, 1 trong 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã phát nổ, thải hàng nghìn tấn chất phóng xạ vào khí quyển và ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của châu Âu.

Vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong quá trình thử nghiệm an toàn này đã trực tiếp cướp đi sinh mạng của khoảng 30 người.

Tuy nhiên, có tới hàng nghìn người được cho là đã tử vong sau đó do nhiễm độc phóng xạ trên khắp Ukraine cũng như nước láng giềng Belarus ở phía Bắc và Nga ở phía Đông.

Hiện con số nạn nhân chính thức trong thảm họa này vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Một báo cáo của Liên hợp quốc trong năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người đã tử vong do nhiễm độc phóng xạ ở các nước Ukraine, Nga và Belarus.

Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace một năm sau đó cho thấy khoảng 100.000 người đã mất đi mạng sống do thảm họa này.

Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xảy ra thảm họa và Vùng Cấm Chernobyl vẫn là "vùng đất chết"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục