UNASUR đề nghị hỗ trợ tiến trình tái thiết hòa bình ở Colombia

Ngày 8/4, Tổng thư ký UNASUR Ernesto Samper đã đưa ra đề nghị để tổ chức vận động hòa bình Chữ thập phương Nam (CS) hỗ trợ tiến trình tái thiết hòa bình tại Colombia.
UNASUR đề nghị hỗ trợ tiến trình tái thiết hòa bình ở Colombia ảnh 1Hiện trường vụ đánh bom ở Colombia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, ngày 8/4, Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper đã đưa ra đề nghị để tổ chức vận động hòa bình Chữ thập phương Nam (CS) hỗ trợ tiến trình tái thiết hòa bình tại Colombia.

Ông khẳng định nếu Bogota và nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đạt được thỏa thuận hòa bình, sự đóng góp của CS - bao gồm các sỹ quan quân đội Argentina và Chile và được Liên hợp quốc công nhận - sẽ rất hữu dụng trong quá trình giải giáp vũ khí và tái hòa nhập xã hội của các cựu du kích.

Ông Ernesto Samper, người cũng từng giữ chức Tổng thống Colombia (1994-1998) nhận định CS mang quan điểm hoàn toàn trung lập trong cuộc xung đột tại quốc gia Nam Mỹ này và do vậy, sẽ là tổ chức nước ngoài dễ nhận được tin tưởng và thích hợp nhất để hỗ trợ quá trình tái thiết hòa bình sau này.

Tổng thư ký UNASUR cho biết đã chuyển đề xuất của mình tới Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và cũng sẽ gửi thông điệp chính thức tới hai phái đoàn đàm phán hòa bình tại La Habana.

Cựu tổng thống Samper khẳng định với vai trò tổ chức khu vực thúc đẩy hòa bình, dân chủ và quyền con người, UNASUR cần tham dự với tư cách quan sát viên hoặc trung gian vào quá trình hòa đàm trên, đồng thời nhấn mạnh chấm dứt xung đột sẽ vẫn chỉ mang lại một “nền hòa bình thụ động” nếu các bên không tiến hành tái thiết cơ cấu và các giá trị xã hội cũng như xây dựng đồng thuận.

Trước mắt, UNASUR sẵn sàng cử đại diện tham gia Ủy ban sự thật, do Chính phủ Colombia và FARC nhất trí cùng thành lập để thu thập ý kiến của các nạn nhân chiến tranh, hỗ trợ quá trình giải giáp và tái thiết hòa bình sau này.

Cuộc xung đột vũ trang nội bộ tại Colombia đã kéo dài hơn 50 năm, lâu nhất tại Mỹ Latinh, cướp đi sinh mạng của khoảng 220.000 người và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa hoặc buộc phải rời bỏ nơi cư trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục