Ngày 20/6, Liên hợp quốc cho biết năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn thế giới đã giảm năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng.
Theo báo cáo mới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 2% xuống còn 1.300 tỷ USD vào năm 2023. Nếu không tính một số trường hợp ngoại lệ, FDI thế giới thậm chí đã giảm tới hơn 10% trong năm thứ hai liên tiếp.
Dù chỉ ra triển vọng FDI toàn cầu vẫn còn “thách thức” trong năm 2024 nhưng báo cáo của UNCTAD vẫn nêu bật một số tín hiệu tích cực.
Báo cáo trích dẫn các điều kiện thuận lợi như các điều kiện tài chính được nới lỏng và các nỗ lực phối hợp nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, gọi đây là “một đặc điểm nổi bật trong các chính sách quốc gia và các hiệp định quốc tế.”
Phát biểu với giới báo chí ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thư ký UNCTAD, Rebeca Grynspan cho biết năm 2024 sẽ tốt hơn, với những dấu hiệu cho thấy FDI toàn cầu sẽ tăng trưởng vừa phải trong năm 2024. Dù đây là mức tăng trưởng khiêm tốn nhưng đánh dấu sự thay đổi về xu hướng một cách và vì vậy UNCTAD lạc quan hơn về năm 2024.
Đầu tư trực tiếp giảm sút đặc biệt gây tổn hại cho các nước đang phát triển vì đây thường là nguồn tài trợ bên ngoài lớn nhất của các nước này.
UNCTAD cho biết năm 2023, dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển đã giảm 7%, xuống còn 867 tỷ USD, phản ánh mức giảm 8% của các nước đang phát triển ở châu Á.
Trong khi đó, dòng vốn chảy vào châu Phi giảm 3%, xuống còn 53 tỷ USD. Dù vậy, UNCTAD nhấn mạnh rằng lục địa này đang thu hút ngày càng nhiều dự án lớn trên toàn cầu, với 6 dự án trị giá hơn 5 tỷ USD.
Đối với dòng FDI vào các nước phát triển, UNCTAD cho biết nguồn vốn này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các giao dịch tài chính của các doanh nghiệp đa quốc gia, một phần là do nỗ lực thực hiện mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận của các tập đoàn này.
Báo cáo cho thấy dòng vốn vào hầu hết các khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm lần lượt là 14% và 5%./.
Đức tiếp tục dẫn đầu châu Âu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Cơ quan Thương mại và Đầu tư (GTI) của Đức cho biết dù số lượng công ty nước ngoài có hoạt động đầu tư tại nước này giảm nhưng các khoản đầu tư được cam kết có giá trị cao hơn những năm trước.