Ngày 24/11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã bắt đầu triển khai sáng kiến "Ngăn ngừa và ứng phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại châu Phi: Một cách tiếp cận phát triển."
Sáng kiến được triển khai trong bốn năm với tổng kinh phí 45,7 triệu USD nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân hình thành, cũng như các nhân tố cực đoan bạo lực.
Sáng kiến đề xuất các hành động tương ứng với mỗi nhóm quốc gia như nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động cực đoan bạo lực, nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp và những quốc gia có thể chịu nguy cơ trên.
Cụ thể, UNDP sẽ hợp tác với các cơ quan nhà nước và khu vực để xây dựng lòng tin, phát hiện các dấu hiệu về cực đoan hóa, nguy cơ cực đoan bạo lực và đưa ra các biện pháp thích hợp.
Cùng với các đối tác, chương trình sẽ hỗ trợ các đối tượng đã rời khỏi các nhóm cực đoan bạo lực và giúp họ tái hòa nhập xã hội.
Giám đốc UNDP tại châu Phi Abdoulaye Mar Dieye nhấn mạnh: "Chúng ta phải đối mặt với các vấn đề đang khiến giới trẻ châu Phi bị lạc ra khỏi lối sống hữu ích và cuốn vào con đường phá hoại. Nguy cơ từ việc này sẽ không chỉ là đảo ngược thành quả kinh tế gần đây mà còn làm suy yếu những tiềm năng phát triển."
Sáng kiến trên là kết quả tham vấn từ chuyên gia với các đối tác trong đó có Liên minh châu Phi (AU), Cơ quan Phát triển Liên chính phủ Đông Phi (IGAD), Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác hỗ trợ tài chính và các tổ chức Liên hợp quốc.
Tình trạng cực đoan bạo lực đã có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và kinh tế trên khắp châu Phi.
Kể từ năm 2011, ước tính hơn 21.000 người đã bị sát hại trong hơn 4.000 vụ tấn công khủng bố và bạo lực tại châu lục này.
Tại Nigeria, các chiến dịch của phiến quân Boko Haram đã khiến 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hơn 200.000 người phải sang tị nạn ở các nước láng giềng như Cameroon, Chad và Niger.
Tại Kenya, hoạt động của nhóm Al-Shabaab đã khiến ngành du lịch, nguồn thu chính và tạo việc làm lớn ở nước này, sụt giảm 25%./.