Ngày 29/9, Hội Nông dân tỉnh An Giang, Quỹ Happel (Đức) và trường Đại học An Giang đã tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh và truyền thông di động vào nông nghiệp".
Hội thảo nhằm báo cáo kết quả giai đoạn 1 của dự án “Ứng dụng công nghệ di động vào nông nghiệp”, thảo luận về các chuyên đề ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh, công cụ truyền thông trong hoạt động nông nghiệp.
Dự án do Văn phòng Viện dự án Happel (Đức), Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp với trường Đại học An Giang thực hiện. Mục đích của dự án là hướng dẫn nông dân sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
Sau gần 6 tháng triển khai giai đoạn 1 (từ tháng 3-8/2015), dự án đã hoàn tất quá trình khảo sát, lắp đặt thử nghiệm bộ công cụ điều khiển hệ thống tưới tiêu tại trại nấm Happel tại trường Đại học An Giang và hệ thống cho ăn tự động vào 2 trang trại ở tỉnh An Giang.
Kết quả sơ bộ cho thấy hệ thống giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tốt hơn, năng suất tốt, nhờ đó có thể giảm chi phí nhân công, tiết kiệm vốn để tái đầu tư.
Thông qua buổi hội thảo, Ban quản lý dự án hướng đến việc phổ biến và cải tiến các ứng dụng thiết bị khoa học kĩ thuật và công cụ truyền thông di động tiên tiến, hiện đại để phù hợp với từng đối tượng nông dân, giúp nông dân nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp không chỉ tại tỉnh An Giang mà còn mở rộng quy mô trên khắp cả nước.
Tiến sỹ Ngô Huy Liêm - Đại diện Quỹ học bổng Happel cho biết, dự án “Ứng dụng công nghệ di động vào nông nghiệp” dựa trên sự phát triển của công nghệ điều khiển di động và kết nối internet, nhằm hỗ trợ nông dân cải tiến hiệu suất lao động, giảm chi phí nhân công (đặc biệt đối với phụ nữ) để hướng tới phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Anh Đặng Hoài Linh - Trưởng trại nấm Happel tại Trường Đại học An Giang cho biết, kết quả sơ bộ của dự án là quản trị tốt các nhân tố ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nấm; nâng cao năng suất nấm tăng 30%; giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian; nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoàng Liệt - Chủ nhiệm Hợp tác xã cây ăn trái theo mô hình VietGAP tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, ông tâm đắc với dự án trên vì giúp cho việc quản lý khoa học hơn, nâng cao được năng suất cây ăn trái, thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn.
Tuy nhiên, băn khoăn của ông Liệt là với quy mô quản lý của hợp tác xã có 1.200ha cây ăn trái, tương đương quy mô của trang trại, thì việc ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh và truyền thông di động vào nông nghiệp liệu có phù hợp.
Ông cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm cách ứng dụng trong thời gian sớm nhất./.