Ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai-Kinh nghiệm của Quảng Nam

Sự vào cuộc một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, không chủ quan của dân đã góp phần để Quảng Nam hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.
Ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai-Kinh nghiệm của Quảng Nam ảnh 1Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh (mặc áo mưa bên phải) động viên người dân vùng trũng thấp xã ven biển thành phố về nơi ở an toàn trước khi bão vào đất liền. (Ảnh : Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Chưa từng có một trận bão lớn nào đi qua mà các cấp ủy, chính quyền và người dân Quảng Nam lại "thở phào nhẹ nhõm" như bão số 4-Noru vừa qua.

Bão số 4 được xác định là cơn bão lịch sử, mức độ tàn phá khủng khiếp khi đi vào vùng biển và đất liền. Thế nhưng cả một vùng đất rộng lớn hơn 10.500km2, bờ biển dài hơn 125km và vùng biển rộng lớn, ngư trường của hàng vạn lao động đã không có thiệt hại đáng tiếc nào về người, thiệt hại về tài sản cũng không nặng.

Không chủ quan, lơ là

Có mặt tại nhiều “điểm nóng” khi bão số 4 chuẩn bị vào đất liền để chỉ đạo công tác ứng phó với bão và trực tiếp xuống hiện trường động viên cán bộ, chiến sỹ giúp dân khắc phục hậu quả ngay sau khi bão số 4 vừa tan, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chia sẻ bão số 4 là cơn bão có cường độ mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức tàn phá mạnh.

Nhưng nhờ làm tốt công tác chủ động ứng phó, sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của các lực lượng vũ trang, từ việc hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa đến việc di chuyển dân đến nơi ở an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đến chuẩn bị chỗ ở tạm... đều diễn ra nhịp nhàng, chu đáo, góp phần giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sau bão thường xuất hiện mưa lớn, gây sạt lở núi và lũ quét. Vì vậy tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh thảm hoại thiên tai. Bão số 4 vừa tan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả ở một số địa phương trong tỉnh. Tại một số trường học bị tốc mái, qua quan sát, nếu như mái của những ngôi trường này được gia cố, chèn chống kỹ như những ngôi nhà xung quanh thì chắc không bị tốc mái. Đây là biểu hiện rõ nhất của việc chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh bão số 4 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh.

[Quảng Nam: Khắc phục hậu quả bão số 4, sớm ổn định đời sống nhân dân]

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất và sớm nhất do bão số 4 gây ra là tàu thuyền và ngư dân làm ăn trên biển, tiếp đến là cơ sở vật chất, hạ tầng và cộng đồng cư dân ven biển. Vì vậy, ngay sau khi nắm được thông tin bão có khả năng đổ bộ vào vùng biển và đất liền nước ta, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng tránh bão số 4 đến từng cán bộ, chiến sỹ, đơn vị trong toàn lực lượng.

Trước khi bão vào vùng biển nước ta, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã nắm chi tiết số lượng tàu thuyền, số lao động và ngư trường, sử dụng có hiệu quả thiết bị thông tin liên lạc để hướng dẫn cho ngư dân biết rõ được hướng di chuyển của bão để đưa tàu thuyền vào bờ hoặc tìm được nơi trú ẩn an toàn nhất. Hơn 10 giờ trước khi bão đổ bộ, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nắm chắc được thông tin của 100% phương tiện tàu thuyền trên biển và có hướng dẫn cụ thể để các phương tiện về nơi trú ẩn an toàn.

Quyết liệt trong hành động

Trước sức mạnh của bão số 4, để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã vùng ven biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở và lũ quét đến 9 giờ ngày 27/9 phải hoàn thành các phương án di dời dân ở xen ghép tại nhà và tập trung tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan quân sự của các địa phương.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ cho biết hơn một ngày trước khi bão số 4 vào đất liền, thành phố đã di dời toàn bộ người dân ở những khu vực trọng điểm. Thành phố có hơn 4000 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu đã được di chuyển đến ở xen ghép và ở tập trung. Riêng xã Tam Thanh di chuyển toàn bộ người dân trong xã để tránh rủi ro do bão số 4 gây ra.

Để di chuyển số lượng lớn người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn kèm theo các điều kiện tối thiểu trong sinh hoạt không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, tính mạng con người là trên hết, thành phố đã hoàn thành việc di chuyển người dân đến nơi ở an toàn theo chỉ đạo của cấp trên.

Ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai-Kinh nghiệm của Quảng Nam ảnh 2Toàn bộ người già, phụ nữ và trẻ em ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã được đưa vào bờ. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Trước bão, cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng, Công an, Bộ đội, dân quân đã giúp bà con chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây đề phòng đổ ngã. Bà con được đưa đến ở tạm tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống nên bà con rất yên tâm, không ai phản đối việc phải di chuyển đến nơi ở tạm, ông Phan Đình Hồng (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ) chia sẻ.

Quyết liệt trong việc di chuyển dân đến nơi ở an toàn của thành phố Tam Kỳ cũng như của các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là các địa phương ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở núi đã đem lại kết quả như mong muốn. Tỉnh Quảng Nam đã di dời toàn bộ gần 46.000 hộ với gần 156.000 người đến ở xen ghép và ở tập trung an toàn trước khi bão đến.

Kịch bản ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra, thành phố đã thực hiện nghiêm 4 nhóm vấn đề chính là đưa toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; vận động nhân dân thu hoạch nhanh toàn bộ thủy sản nuôi trồng và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại; tập trung cắt tỉa cây xanh, cây có tán lá rộng trên các tuyến phố, công sở, trường học; rà soát lại toàn bộ các phương án di dời dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất, tập trung vào các khu vực cửa sông, ven biển, nhất là những khu vực có khả năng nước biển dâng cao.

“Thành phố Hội An lên phương án cụ thể đối với việc di chuyển người dân ở những khu vực xung yếu, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai và khu vực có nguy cơ nước biển dâng cao đến nơi ở an toàn. Tất cả các kịch bản ứng phó đều sát với thực tế của địa phương đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong công tác phòng, chống bão số 4 đã giúp thành phố chủ động trong mọi tình huống, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại,” ông Nguyễn Thế Hùng cho hay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá tuy vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, song trong bão số 4 vừa qua, tất cả phương án ứng phó với bão đều được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh lên kế hoạch tỉ mỉ, bài bản, thông tin xuyên suốt, không lơ là, chủ quan và thực hiện các giải pháp ứng phó nhịp nhàng, bình tĩnh. Sự vào cuộc một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, không chủ quan của người dân đã góp phần để Quảng Nam hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục