Ứng phó với đại dịch là quản lý rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi

Việc mất việc làm, khoảng cách kỹ thuật số gia tăng, sự thay đổi đột ngột của thị trường và tương tác xã hội bị gián đoạn có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho dân số toàn cầu trong những năm tới.
Ứng phó với đại dịch là quản lý rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi ảnh 1Số liệu của Bộ Thống kê Malaysia (DoSM) ngày 8/2/2021 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Malaysia năm 2020 tăng lên 4,5%. (Nguồn: THX/TTXVN)

Những thiệt hại về con người và kinh tế cũng như tác động xã hội của COVID-19 rất nghiêm trọng, là mối đe dọa đối với sự tiến bộ của nền kinh tế và xã hội toàn cầu trong những năm gần đây.

Các yếu tố như mất việc làm, khoảng cách kỹ thuật số gia tăng, sự thay đổi đột ngột của thị trường và tương tác xã hội bị gián đoạn có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho dân số toàn cầu trong những năm tới.

Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu mới năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã thông tin về những mối đe dọa mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.

Trong bài viết trên trang export.cz mới đây, ông Marek Pyszko, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech, khi đề cập vấn đề này đã nhấn mạnh, ứng phó với đại dịch là quản lý rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi.

Tác giả bài viết dẫn báo cáo từ WEF cho biết tính mong manh của hệ thống kinh tế thế giới dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới.

Chỉ trong quý 2/2020, đại dịch đã làm mất đi 495 triệu việc làm, điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự gia tăng bất bình đẳng và sự phục hồi không đồng đều sau đó. Cụ thể là vào năm 2020, chỉ có 28 nền kinh tế tăng trưởng.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở rộng số hóa, làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến và các dịch vụ như thương mại điện tử.

Một mặt, tiến bộ này mang lại những lợi ích như làm việc tại nhà hoặc sự phát triển nhanh chóng của vaccine ngừa COVID-19, nhưng mặt khác, nó làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong số hóa.

Tiến bộ trong hòa nhập kỹ thuật số hiện đang bị đe dọa bởi sự phụ thuộc vào kỹ thuật số ngày càng tăng, tự động hóa tăng tốc, thao túng thông tin, sự khác biệt trong quy định công nghệ và không ít kỹ năng, năng lực quan trọng trong việc làm với công nghệ.

Một vấn đề đáng chú ý là sự vỡ mộng của những người trẻ tuổi mới bước vào thị trường lao động.

Thế hệ này hiện đang phải đối mặt với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, sự bất bình đẳng ngày càng tăng, phá vỡ chuyển đổi công nghiệp ở nhiều quốc gia, cùng những thách thức về giáo dục và triển vọng kinh tế.

Thế hệ hiện tại thiếu niềm tin đầy đủ vào các thể chế kinh tế và chính trị ngày nay do thiếu định hướng thích hợp để có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Báo cáo của WEF xác định việc làm, khủng hoảng sinh kế, sự thất vọng của giới trẻ, bất bình đẳng kỹ thuật số, trì trệ kinh tế, tác hại môi trường do con người tạo ra, sự gắn kết xã hội và các cuộc tấn công khủng bố là những mối đe dọa gần nhất trong hai năm tới.

Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm, WEF hướng sự chú ý đến bong bóng tài sản thị trường mới nổi, biến động giá cả, các cú sốc giá hàng hóa và cuộc khủng hoảng nợ.

Trong phạm vi từ 5 đến 10 năm, WEF đề cập tới các rủi ro môi trường, các mối đe dọa liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hậu quả của công nghệ và sự sụp đổ của nhà nước hoặc các thể chế đa phương.

Các diễn biến đó cũng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự thất bại của các biện pháp trong lĩnh vực này.

Về vấn đề địa chính trị, các cường quốc tầm trung là những nước sẽ tìm cách đơn giản hóa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 nói chung đã đóng góp vào việc tăng cường các chương trình nghị sự quốc gia, chuyển đổi công nghệ và thay đổi cấu trúc xã hội, bao gồm những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, bản chất công việc và vai trò của công nghệ.

Những rủi ro kinh doanh phát sinh từ những xu hướng này bao gồm sự trì trệ ở các nền kinh tế phát triển, mất tiềm năng ở các thị trường mới nổi, sự sụp đổ của các doanh nghiệp nhỏ, khoảng cách ngày càng tăng giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là suy giảm động lực thị trường.

Đầu tư vào tăng trưởng thông minh, sạch và toàn diện, nhằm khởi đầu năng suất và tăng trưởng bền vững dường như là một cơ hội.

Theo WEF, câu trả lời cho đại dịch chủ yếu là quản lý rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi. Điều này áp dụng cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia nói chung.

Theo ông Marek Pyszko, khuyến nghị đối với các chính phủ là cần tạo ra một khuôn khổ phân tích về tác động của rủi ro, tăng cường vai trò lãnh đạo quốc gia và hợp tác quốc tế, cải thiện truyền thông rủi ro, bao gồm cả cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch và tìm kiếm các hình thức tham gia mới của tư nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục