Ủy ban Đối ngoại của QH họp toàn thể lần thứ 17

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp toàn thể để đánh giá hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2009 và bàn phương hướng năm 2010.
Ngày 29/10 tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 17 nhằm đánh giá hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2009 và bàn phương hướng hoạt động đối ngoại năm 2010.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Đối ngoại cơ bản đồng tình với các dự thảo Báo cáo hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2009 và thống nhất nhận định,  tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được triển khai tích cực, trên tinh thần chủ động, thiết thực và hiệu quả, nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng thời thiết thực phục vụ việc thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động đối ngoại đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; củng cố và mở rộng quan hệ của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực; tạo tiền đề để Quốc hội Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-31 vào năm 2010.

Năm 2009, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác quan trọng như các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác bạn bè truyền thống...

Vị thế, vai trò, uy tín của Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới tiếp tục được củng cố, nâng cao thông qua việc Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia hoạt động tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 30 (AIPA-30), tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010, hỗ trợ Lào tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF), tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và là thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)...

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội còn góp phần thiết thực quảng bá hình ảnh Việt Nam, giới thiệu với bạn bè thế giới đường lối và thành tựu đổi mới của Việt Nam, trong đó có vai trò ngày càng được củng cố và tăng cường của Quốc hội, thể hiện tiến trình dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Hoạt động lập pháp trong lĩnh vực đối ngoại cũng đã được triển khai tích cực, hiệu quả, với việc ban hành Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thống nhất quản lý nhà nước các hoạt động đối ngoại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong năm qua, các cơ quan liên quan của Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với một số thỏa thuận hợp tác quốc tế.

Hoạt động giám sát trong lĩnh vực đối ngoại cũng có bước tiến mới, đi vào chiều sâu, đặc biệt là đã triển khai giám sát một số chuyên đề: “Việc thực hiện các điều ước và thoả thuận trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa – giáo dục và khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2000 – 2008”; giám sát việc thực thi hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến xuất khẩu lao động và thực trạng các vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động hiện nay nhằm tổng kết, đánh giá về mặt chính sách và thực tiễn một số vấn đề liên quan đến người Việt Nam lao động ở nước ngoài...

Hoạt động của các tổ chức nghị sỹ hữu nghị có nhiều khởi sắc, tạo một kênh quan trọng, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác thiết thực giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước.

Các đại biểu nhất trí, trọng tâm hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2010 là phát huy vai trò Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 tại Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam với tư cách là Phó Chủ tịch APF, Ủy viên Ban chấp hành IPU và trong quá trình tham gia các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực chuyên ngành.

Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2010 của Quốc hội sẽ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng hoạt động đối ngoại chung của Nhà nước Việt Nam là đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, đặc biệt là quan hệ với các đối tác hàng đầu; thúc đẩy hợp tác với các đối tác tiềm năng ở các khu vực.

Cùng với việc củng cố, tăng cường quan hệ với bạn bè truyền thống, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2010 và các năm tiếp theo cần được mở rộng tới các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục