Ủy ban TVQH: Tạo chuyển biến trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân loại các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài xem tiến độ giải quyết như thế nào; kết hợp với hoạt động giám sát chuyên đề của UBTVQH tới đây để “làm đến nơi, đến chốn.”
Ủy ban TVQH: Tạo chuyển biến trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 2, ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Ban Dân nguyện về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Do đó, những vấn đề bức xúc của người dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân đã được cơ quan chức năng thực hiện như thế nào được tổng hợp lại hằng tháng để trên cơ sở đó có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hết sức cần thiết.

Công tác này còn cho thấy việc Quốc hội luôn đồng hành cùng nhân dân, đặc biệt là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân (thông qua đôn đốc, giám sát). Do đó, chủ trương hằng tháng có báo cáo là đúng và trúng.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cho thấy những vấn đề bức xúc của xã hội. Ban Dân nguyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức công tác tiếp công dân; tổ chức tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân; chuyển đơn, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân.

[Giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp]

Vì vậy, hằng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban Dân nguyện báo cáo về nội dung này. Mỗi tháng nêu ra 7-8 vụ việc, giám sát đến nơi đến chốn, quy rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. Trước mỗi tháng, Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan gửi báo cáo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với kiến nghị của Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về tình hình, kết quả rà soát, giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân loại các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài xem tiến độ giải quyết như thế nào. Kết hợp với hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây để “làm đến nơi, đến chốn.”

“Có nơi làm rất tốt, đa số làm rất tốt, nhưng chỉ cần một nơi làm buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm với dân thì mất hết uy tín. Cái sảy nảy cái ung, việc nhỏ không giải quyết thì thành việc lớn, việc lớn không giải quyết kịp thời thì thành đại sự,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý Ban Dân nguyện có thể tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp báo cáo của các cơ quan thành hệ thống dữ liệu, hằng tháng đều có báo cáo số liệu, nêu những vụ việc nổi cộm, kết quả giải quyết đơn thư và tiến hành giám sát, truy đến cùng trách nhiệm để tạo chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xứng đáng với niềm tin mà cử tri, nhân dân đặt vào Quốc hội, cơ quan dân cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục