Ủy ban Việc làm Nghị viện châu Âu kêu gọi bỏ phiếu chống CETA

Ủy ban Việc làm của Nghị viện châu Âu kêu gọi các nghị sỹ bác hiệp định CETA giữa EU và Canada vì gây tác động tiêu cực đến thị trường việc làm châu Âu.
Ủy ban Việc làm Nghị viện châu Âu kêu gọi bỏ phiếu chống CETA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: European External Action Service)

Ủy ban Việc làm và các vấn đề xã hội của Nghị viện châu Âu đánh giá Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường việc làm châu Âu, và kêu gọi các nghị sỹ bác bỏ hiệp định này trong cuộc bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng 2/2017.

Ngày 8/12, trong số 55 thành viên của ủy ban, 27 đại biểu đã bỏ phiếu đồng ý cho một bản khuyến nghị kêu gọi Nghị viện châu Âu bác bỏ CETA, 24 đại biểu khác bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, kết quả bất lợi này chưa chắc đã dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất lợi cho CETA tại phiên toàn thể.

Các ủy ban khác sẽ phải đưa ra ý kiến về hiệp định cho Ủy ban phụ trách thương mại quốc tế trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại phiên toàn thể.

Theo đánh giá ban đầu của các nghị sỹ thuộc Ủy ban Việc làm và các vấn đề xã hội, các hiệp định tự do thương mại thường được cho là tạo ra nhiều việc làm tốt và lương cao. Nhưng trong trường hợp này, CETA chỉ có thể hứa hẹn đem lại mức tăng trưởng việc làm ở mức rất khiêm tốn là khoảng 0,018% trong giai đoạn từ 6 đến 10 năm.

Nghị sỹ Vert Jean Lambert đánh giá các lập luận ủng hộ CETA hoàn toàn không có cơ sở chắc chắn, ngoài ra còn tồn tại một nguy cơ nghiêm trọng khác đó là hiệp định này còn bị coi là nguyên nhân tạo nên bất bình đẳng về thu nhập, và điều này đang là vấn đề lớn tại châu Âu.

Mục tiêu của mọi người là tạo ra việc làm có chất lượng, nhưng các bằng chứng chỉ ra rằng hiệp định này mang lại rất ít việc làm cho EU. Theo một số nghiên cứu, thậm chí CETA có thể làm mất đi tới hơn 200.000 việc làm tại châu Âu.

EU và Canada đã ký hiệp định vào tháng 10 vừa qua, sau khi có sự do dự tại Áo và sự phản đối mạnh mẽ vào phút chót tại Wallonie, vùng nói tiếng Pháp của nước Bỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục