Vải thiều Bắc Giang đạt mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay

Mùa vải Bắc Giang năm 2023, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng.
Vải thiều Bắc Giang đạt mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay ảnh 1Thu hoạch vải tại một hộ gia đình tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh ước đạt trên 201.600 tấn, tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch.

Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng (tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.

Vải thiều có giá bán ổn định, bình quân giá của cả vụ ước đạt 23.100 đồng/kg, cao hơn so với giá bình quân của cả vụ năm 2022 khoảng 2.000 đồng/kg.

Năm nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt khoảng gần 111.200 tấn (chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ); sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn (chiếm khoảng gần 44,9%).

Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang là Trung Quốc (chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu); còn lại vải thiều được xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á.

[Vải thiều Bắc Giang tiếp tục "lên kệ" tại siêu thị Thái Lan]

Trước đó, ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã tập trung dự báo thị trường; phân tích, đánh giá và chỉ rõ cơ cấu thị trường hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn; chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện từ khâu sản xuất, thu hoạch.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối trực tiếp và trao đổi, đàm phán, ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ với các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu chính, quan trọng tiếp giáp với Việt Nam (như tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây…), từ đó việc thông quan xuất khẩu vải thiều được ưu tiên, thuận lợi vào thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới.

Bắc Giang cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại các nước đổi mới hoạt động xúc tiến, chuyển từ việc xúc tiến quảng bá sang việc xúc tiến phân phối và tiêu thụ.

Đồng thời, tỉnh thực hiện đa dạng hóa các kênh phân phối, nhất là tập trung cao cho các thị trường xuất khẩu, tiếp tục duy trì ở thị trường truyền thống Trung Quốc, cùng đó mở rộng các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh cũng đa dạng hóa phương thức bán hàng, đẩy mạnh việc tiêu thụ ở tất cả các sàn thương mại điện tử trong nước và các kênh bán hàng online của các siêu thị, trung tâm thương mại; cùng với các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… và quảng bá cũng như bán hàng rất hiệu quả trên Tiktok, Facebook, Zalo…

Đặc biệt, vụ vải thiều năm 2023, Bắc Giang đẩy mạnh gắn tiêu thụ vải thiều với phát triển du lịch, với cách làm chủ động, sáng tạo như tổ chức các show diễn thời trang tôn vinh vải thiều Bắc Giang, mời người nổi tiếng và có ảnh hưởng tham gia các hoạt động trải nghiệm vùng trồng, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên Tiktok, Facebook, Zalo… không chỉ tạo thuận lợi cho việc xúc tiến, lưu thông tiêu thụ vải thiều mà còn góp phần lan tỏa tiêu thụ các loại nông sản khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục