Theo các chuyên gia nông nghiệp, đất canh tác màu mỡ hơn, cùng với công nghệ, hệ thống tưới tiêu hiện đại và các chính sách hỗ trợ phát triển, đã góp phần mang lại sản lượng ngũ cốc tăng cao ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Với diện tích canh tác 80.000ha, nông trại Qixing ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc đã đạt sản lượng ngũ cốc 700.000 tấn trong năm 2018.
Các nông dân ở tỉnh Hắc Long Giang, khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2011, hiện đang áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, với các loại máy móc như mát gieo hạt và máy bay phun thuốc trừ sâu, để nâng cao năng suất. Sản lượng ngũ cốc của tỉnh Hắc Long Giang đã tăng lên 75 triệu tấn năm 2018, từ mức 5 triệu tấn hồi cuối thập niên 1980.
[FAO kêu gọi hành động để giảm lượng lương thực lãng phí mỗi năm]
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong giai đoạn 1949-2018, sản lượng ngũ cốc hàng năm của Trung Quốc tăng gần 5 lần từ 113 triệu tấn lên 658 triệu tấn, trong khi sản lượng ngũ cốc bình quân đầu người tăng hơn 2 lần từ 209kg lên 472kg.
Trung Quốc hiện đã có thể tự cung lương thực cơ bản. Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có tỷ lệ tự cung về các loại ngũ cốc cơ bản như gạo, lúa mỳ và ngô lên tới hơn 95%.
Khả năng tự cung lương thực của Trung Quốc đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 20% dân số thế giới khi nước này chỉ chiếm chưa tới 9% diện tích đất canh tác toàn cầu.
Theo chuyên gia Li Guoxiang của Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Trung Quốc lâu nay là một nguồn lực quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của thế giới.
Chuyên gia Li Guoxiang cho hay, mặc dù Trung Quốc chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu lương thực nội địa, song nước này cũng rất tích cực hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực với các kinh nghiệm và giải pháp của nước này.
Hồi tháng 5/2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống lúa lai Quốc gia Trung Quốc đã khai trương chi nhánh nghiên cứu châu Phi ở Madagascar để lựa chọn các giống lúa lai dựa trên môi trường sinh học đa dạng ở đây, nhằm tìm cách nâng cao sản lương ngũ cốc ở châu lục vốn thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực.
Trước đó, năm 2018, Trung Quốc cam kết hỗ trợ châu Phi đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2030 thông qua hợp tác nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp, cũng như thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp 1 tỷ nhân dân tệ (141 triệu USD) viện trợ lương thực nhân đạo cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng của thiên tai và đào tạo đội ngũ nghiên cứu về khoa học nông nghiệp và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp./.