Vai trò của vận tải đường bộ trong hội nhập thương mại nội khối ASEAN

Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế do các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) đặt ra.
Vai trò của vận tải đường bộ trong hội nhập thương mại nội khối ASEAN ảnh 1Các xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 quốc gia thành viên mà mỗi quốc gia lại cung cấp những lợi thế cạnh tranh đáng kể cho lộ trình thương mại của cả khối.

Vị trí địa lý chiến lược của ASEAN giúp 7 nước thành viên có thể kết nối bằng đường bộ. Chuyên gia Aivaras Pigaga, Trưởng nhóm chuyên gia công nghệ thông tin Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) nhận định, vận tải đường bộ sẽ trở thành phương thức thương mại tối ưu giữa các quốc gia này, giúp các chủ hàng tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, có tính linh hoạt và có thể giảm lượng khí thải carbon.

Sự đa dạng vừa là điều kiện thuận lợi giúp ASEAN trở thành điểm đến kinh doanh hấp dẫn, nhưng cũng đặt ra những rủi ro nếu khu vực này ứng phó không hiệu quả. Những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, đầu tư phát triển hạ tầng, các quy tắc và quy định khiến hoạt động vận tải đường bộ nội khối bị phân mảnh rõ rệt.

ACTS đang hướng tới giải quyết vấn đề này để thúc đẩy vai trò của vận tải đường bộ trong quá trình hội nhập và phát triển thịnh vượng của khu vực.

Những thách thức trong vận tải đường bộ ở ASEAN

Theo chuyên gia Aivaras Pigaga, vận tải đường bộ sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong vận tải hàng hóa khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Liên minh châu Âu (EU)-ASEAN năm 2020, chỉ 4% số người được đánh giá các thủ tục hải quan của ASEAN là nhanh chóng và hiệu quả. Con số này giảm so với tỷ lệ 8% trong khảo sát năm 2019.

Vận tải đường bộ nội khối ASEAN thường bị cản trở bởi các thủ tục thông quan biên giới không được tiêu chuẩn hóa, cũng như các yêu cầu về thủ tục và hồ sơ, tài liệu. Ông Aivaras Pigaga chia sẻ, thực tế này kéo dài thời gian và gia tăng chi phí giao thương, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại xuyên biên giới.

Đồng thời, những trở ngại do thủ tục hải quan kém hiệu quả làm giảm khả năng phát huy tiềm năng kinh tế tập thể của các quốc gia thành viên cũng như nỗ lực hội nhập và tiến bộ chung đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

[Chính thức triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN]

Các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy thương mại xuyên biên giới song rào cản về quản lý tiếp tục là yếu tố hạn chế tiềm năng tăng trưởng. Ông Aivaras Pigaga nhận xét, phát triển dịch vụ hậu cần hiệu quả sẽ có tác động lan tỏa và tạo thuận lợi cho các nền kinh tế ASEAN.

Lợi ích của ACTS đối với hoạt động thương mại nội khối

Trong khảo sát của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN năm 2020, 66% số người được hỏi cho rằng ASEAN nên hiện đại hóa các thủ tục hải quan nhằm tận dụng những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, ACTS đã được phát triển và triển khai trong nỗ lực hợp tác giữa Liên minh Châu Âu và ASEAN, nhằm mục đích thúc đẩy luân chuyển hàng hóa giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

ACTS là hệ thống quản lý quá cảnh trực tuyến tự động trong đó liên kết tất cả các cơ quan hải quan trên các tuyến đường quá cảnh với điểm đi và điểm đến, thông qua một mạng lưới thông tin liên lạc khép kín an toàn xuyên suốt 6 quốc gia ASEAN được kết nối trên đất liền.

Hệ thống này đã đơn giản hóa các quy trình hải quan, tăng tốc quá cảnh và giảm thời gian và chi phí liên quan đến thương mại xuyên biên giới ASEAN.

Các lợi ích của ACTS phù hợp với kế hoạch tăng trưởng dài hạn của ASEAN. Đầu tiên là ACTS giúp giảm thời gian cho các thủ tục hải quan thông qua việc tiêu chuẩn hóa các thủ tục thông quan và các yêu cầu về chứng từ cho việc vận chuyển hàng hóa qua nhiều quốc gia với một tờ khai quá cảnh hải quan kỹ thuật số duy nhất khi khởi hành.

Thứ hai, ACTS giúp giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình kiểm tra tại biên giới. Chuyên gia Pigaga dẫn chứng, một thương nhân chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Malaysia sang Campuchia qua Thái Lan đã báo cáo tổng chi phí giảm 27% khi sử dụng ACTS.

Thứ ba, hệ thống hải quan trực tuyến này giúp tăng cường khả năng hiển thị thông số như số hóa thông tin hải quan và hậu cần đường bộ, cho phép các chủ hàng và cơ quan chức năng giám sát các hoạt động vận chuyển trong khu vực, từ đó quản lý tốt hơn các mốc thời gian và chống hoạt động buôn lậu.

Thứ tư, vận tải xanh từ các quy trình hải quan hiệu quả hơn sẽ giúp giảm tắc nghẽn và giảm lượng khí thải. Các hệ thống khu vực như ACTS cũng có thể tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh hơn cho vận tải đường bộ.

Ngoài việc mang lại lợi ích cho chính phủ và các doanh nghiệp, việc thực hiện ACTS cũng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng ASEAN bởi họ có khả năng tiếp cận nhiều loại sản phẩm với giá cả và chất lượng tốt hơn.

Những thách thức đặt ra

Mặc dù mang lại lợi ích cho chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, ACTS không phải là một hệ thống bắt buộc. Thành công của ACTS phụ thuộc vào sự sẵn sàng làm việc cùng nhau của tất cả các bên liên quan để đảm bảo đạt được hiệu quả tối đa.

Cùng với đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm dịch, phong tỏa biên giới của chính phủ các nước ASEAN cũng là thách thức đối với việc triển khai hệ thống hải quan này.

Điểm sáng hiện nay là việc các quốc gia Đông Nam Á bắt tay vào các chương trình tiêm chủng vaccine sẽ mở ra cánh cửa cho sự phục hồi nhanh chóng của thương mại xuyên biên giới thiết yếu. 

Xét từ góc độ kinh tế rộng hơn, theo ông Pigaga, hệ thống này có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế do các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) đặt ra.

Các chương trình nâng cao nhận thức và tầm nhìn dài hạn của ACTS cũng đang được thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực trên toàn ASEAN nhằm đảm bảo các bên liên quan, ở cả khu vực công và tư, nhận thức được ACTS đang hoạt động và những lợi ích mà hệ thống này mang lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục